Kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở cho thấy, tính đến ngày 1/4/2019, dân số Việt Nam 2019 là hơn 96,2 triệu người, trong đó dân số nam chiếm 49,8%, dân số nữ chiếm 50,2%. Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân dân thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.
Tổng điều tra dân số và nhà ở là một trong ba cuộc Tổng điều tra thống kê quốc gia được quy định trong Luật Thống kê. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được tiến hành vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019 theo Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ nhằm mục đích thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở trên toàn bộ lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phục vụ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện.
Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã quy định Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương gồm 15 thành viên do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo Trung ương đã chỉ đạo thành lập các Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Đồng thời, ba Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số tại Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao đã được thành lập để tổ chức thực hiện Tổng điều tra dân số thuộc phạm vi do Bộ quản lý. Được thực hiện trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là cuộc Tổng điều tra đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn. Trong đó, áp dụng đồng thời ba hình thức thu thập thông tin là: Điều tra bằng phiếu trực tuyến sử dụng Internet; điều tra bằng phiếu điện tử trên thiết bị di động và điều tra bằng phiếu giấy truyền thống.
Công tác thu thập thông tin của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được tiến hành từ ngày 01 đến ngày 25/4/2019. Dữ liệu Tổng điều tra được khai thác để tổng hợp và biên soạn cuốn sách “Tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2019: Tổ chức thực hiện và kết quả sơ bộ”.
Tổng điều tra năm 2019 đã được thực hiện thành công, đặc biệt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giai đoạn thu thập thông tin tại địa bàn giúp nâng cao chất lượng, minh bạch quá trình sản xuất thông tin thống kê và rút ngắn thời gian công bố kết quả Tổng điều tra. Thành công của Tổng điều tra trước hết là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành hiệu quả của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp; đồng thời là kết quả làm việc cần cù và vượt qua khó khăn của các điều tra viên thống kê, tổ trưởng điều tra, giám sát viên và sự ủng hộ tích cực của nhân dân trong cả nước. Đóng góp vào thành công của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 còn có sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Quỹ Dân số Liên hợp quốc. Chúng tôi trân trọng cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ, hợp tác và sự tham gia nhiệt tình của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong cuộc Tổng điều tra này.
Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 sẽ phục vụ tích cực cho việc đánh giá thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 10 năm qua và phục vụ xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia và các địa phương giai đoạn 10 năm và 5 năm tới, hướng đến Mục tiêu phát triển bền vững để “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
Nội dung chính
1. Quy mô và mật độ dân số
1.1. Quy mô dân số
Tổng số dân của Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019 là 96.208.984 người, trong đó, dân số nam là 47.881.061 người, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%. Như vậy, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin) và thứ 15 trên thế giới [Nguồn: Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á – Thái Bình Dương Liên hợp quốc (ESCAP) và Cơ quan tham vấn dân số (PRB)]. So với năm 2009, vị trí xếp hạng về quy mô dân số của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á không thay đổi và giảm hai bậc so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 – 2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với 10 năm trước (tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 1999 – 2009 là 1,18%/năm)
1.2. Mật độ dân số
Việt Nam là một trong các quốc gia đông dân và có mật độ dân số cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, sau Phi-li-pin (350 người/km2) và Xin-ga-po (7.795 người/km2) [Nguồn: Cục Thống kê Hoa Kỳ]
Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có mật độ dân số cao nhất toàn quốc, tương ứng là 1.060 người/km2 và 757 người/km2. Đây là những vùng bao gồm hai địa phương đông dân nhất cả nước, trong đó thành phố Hà Nội thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng với mật độ dân số là 2.398 người/km2 và thành phố Hồ Chí Minh thuộc vùng Đông Nam Bộ với mật độ dân số là 4.363 người/km2.
Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có mật độ dân số thấp nhất, tương ứng là 132 người/km2 và 107 người/km2.
2. Tỷ số giới tính
Tỷ số giới tính của dân số được tính bằng dân số nam trên 100 dân số nữ. Kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, tỷ số giới tính là 99,1 nam/100 nữ. Trong đó, tỷ số giới tính khu vực thành thị là 96,5 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 100,5 nam/100 nữ.
Tỷ số giới tính của dân số Việt Nam liên tục tăng nhưng luôn ở mức dưới 100 kể từ Tổng điều tra năm 1979 đến nay. Nguyên nhân chủ yếu là do mức độ ảnh hưởng của chiến tranh trong quá khứ đến chỉ tiêu này giảm mạnh và tỷ số giới tính khi sinh luôn ở mức cao trong nhiều năm nay.
Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy có sự khác biệt đáng kể về tỷ số giới tính giữa các vùng. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có tỷ số giới tính cao nhất, tương ứng là 100,9 nam/100 nữ và 101,7 nam/100 nữ; trong khi đó, Đông Nam Bộ là vùng có tỷ số giới tính thấp nhất, chỉ là 97,8 nam/100 nữ.
3. Phân bố dân cư
3.1. Khu vực thành thị, nông thôn
Theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2019, Việt Nam có 33.059.735 người cư trú ở khu vực thành thị, chiếm 34,4% tổng dân số; 63.149.249 người cư trú ở khu vực nông thôn, chiếm 65,6%. Sau 10 năm, tỷ lệ dân số khu vực thành thị tăng 4,8 điểm phần trăm.
Trong 10 năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương đã làm gia tăng dân số khu vực thành thị. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm khu vực thành thị giai đoạn 2009 – 2019 là 2,62%/năm, cao hơn gần sáu lần so với tỷ lệ tăng dân số bình quân năm khu vực nông thôn giai đoạn này (0,44%/năm).
Mặc dù tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam trong những năm qua tăng nhanh nhưng tỷ lệ dân số sống ở khu vực thành thị của nước ta năm 2019 vẫn đang ở mức thấp trong khu vực Đông Nam Á, chỉ cao hơn Ti-mo Lét-xtê (31%), Mi-an-ma (29%) và Cam-pu-chia (23%) [Nguồn: Cơ quan tham vấn dân số (PRB)]
3.2. Vùng kinh tế – xã hội
Phân bố dân cư giữa các vùng kinh tế – xã hội có sự khác biệt đáng kể. Vùng Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất của cả nước với 22,5 triệu người, chiếm gần 23,4%; tiếp đến là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 20,2 triệu người đang sinh sống, chiếm 21,0%. Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất với 5,8 triệu người, chiếm 6,1% dân số cả nước.
Mặc dù có dân số cao thứ ba trong sáu vùng kinh tế – xã hội nhưng Đông Nam Bộ lại là vùng có tỷ lệ tăng dân số bình quân năm cao nhất (2,37%/năm), cao hơn hai lần so với tỷ lệ tăng dân số chung của cả nước. Tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ tăng dân số bình quân năm là 1,41%/năm. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng không có biến động nhiều về dân số. Sau 10 năm, dân số vùng này chỉ tăng 82.160 người, tương đương với tỷ lệ tăng dân số bình quân năm là 0,05%/năm. Nguyên nhân chính dẫn đến sự khác biệt về tỷ lệ tăng dân số có thể là do sự phát triển kinh tế không đồng đều giữa các vùng.
4. Dân số theo nhóm dân tộc
Tính đến 0 giờ ngày 01/4/2019, tổng số người dân tộc Kinh là 82.085.729 người, chiếm
85,3% dân số cả nước, tổng số người dân tộc khác là 14.123.255 người, chiếm 14,7%.
Trong 10 năm qua, tỷ lệ tăng dân số bình quân năm của nhóm dân tộc khác là 1,42%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước và cao hơn nhóm dân tộc Kinh (1,09%/năm).
Địa bàn sinh sống chủ yếu của nhóm dân tộc khác là vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc, nhóm dân tộc khác chiếm tỷ lệ lớn trong tổng dân số của vùng, chiếm 56,2%; tỷ lệ nhóm dân tộc khác ở vùng Tây Nguyên là 37,7%.
5. Tình trạng hôn nhân của dân số từ 15 tuổi trở lên
Hôn nhân là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới mức sinh và di cư,
qua đó ảnh hưởng tới sự thay đổi của dân số. Tổng điều tra năm 2019 thu thập thông tin về tình trạng hôn nhân đối với tất cả những người từ 15 tuổi trở lên. Tình trạng hôn nhân được chia thành hai nhóm: Đã từng kết hôn và chưa từng kết hôn. Đã từng kết hôn là tình trạng một người đã kết hôn ít nhất một lần và đến thời điểm điều tra (ngày 01/4/2019) họ thuộc một trong bốn nhóm: đang có vợ/chồng, góa vợ/chồng, ly hôn hoặc ly thân.
Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn của cả nước là 77,5%. Trong đó, dân số đang có vợ/chồng chiếm 69,2%, dân số đã ly hôn hoặc ly thân chiếm 2,1%.
Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa từng kết hôn ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông
thôn 6,7 điểm phần trăm, tương ứng là 26,8% và 20,1%.
Sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế – xã hội, phân bố dân cư và cơ cấu nhóm tuổi dẫn đến chênh lệch về tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa có vợ/chồng giữa các vùng. Vùng Đông Nam Bộ là nơi có tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa có vợ/chồng cao nhất (30,2%), cao hơn 1,8 lần so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc (17,0%).
Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa vợ/chồng năm 2019 giảm 4,3 điểm phần trăm so với năm 2009, tương ứng là 22,5% và 26,8%. Tuy nhiên, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên ly hôn hoặc ly thân tăng so với năm 2009, tương ứng là 2,1% và 1,4%.
Kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, có sự khác nhau về tình trạng hôn nhân giữa nam và nữ. Nữ giới có xu hướng kết hôn sớm hơn hoặc phổ biến hơn nam: Tỷ lệ dân số nam từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn thấp hơn so với nữ, tương ứng là 73,4% và 81,5%.
6. Giáo dục
Tổng điều tra năm 2019 thu thập các thông tin về tình hình giáo dục hiện nay của Việt
Nam. Trong đó bao gồm các câu hỏi về tình hình đi học và trình độ giáo dục, đào tạo của tất cả dân số từ 5 tuổi trở lên phân theo Danh mục giáo dục, đào tạo của Hệ thống giáo dục quốc dân được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 01/2017/QĐ-TTg ngày 17/01/2017.
Theo kết quả sơ bộ của Tổng điều tra năm 2019, Việt Nam đã đạt được những thành tựu
đáng ghi nhận trong lĩnh vực giáo dục. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết tăng mạnh sau 20 năm, từ năm 1999 đến năm 2019; phổ cập giáo dục tiểu học đã được thực hiện trên cả nước và ở tất cả các vùng miền; tình trạng học sinh trong độ tuổi đi học không đến trường giảm mạnh; khoảng cách về giới trong giáo dục phổ thông gần như được xóa bỏ.
6.1. Tình hình đi học của dân số trong độ tuổi đi học phổ thông
Theo Luật Giáo dục, hệ thống giáo dục phổ thông của Việt Nam được chia thành ba cấp với
những quy định cụ thể về thời gian và độ tuổi như sau: (1) cấp tiểu học được thực hiện trong năm năm học, từ lớp 1 đến lớp 5 và tuổi của học sinh vào học lớp 1 là 6 tuổi; (2) cấp trung học cơ sở (THCS) được thực hiện trong bốn năm học, từ lớp 6 đến lớp 9 và tuổi của học sinh vào học lớp 6 là 11 tuổi; (3) cấp trung học phổ thông (THPT) được thực hiện trong ba năm học, từ lớp 10 đến lớp 12 và tuổi của học sinh vào học lớp 10 là 15 tuổi. Như vậy, tại thời điểm điều tra ngày 01/4/2019, dân số trong độ tuổi đi học phổ thông là những người sinh từ năm 2001 đến 2012: Dân số trong độ tuổi đi học tiểu học sinh từ năm 2008 đến năm 2012, dân số trong độ tuổi đi học THCS sinh từ năm 2004 đến năm 2007, dân số trong độ tuổi đi học THPT sinh từ năm 2001 đến năm 2003.
Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, cả nước có khoảng 91,7% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học. Trong vòng 20 năm qua, tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng hiện không đi học (chưa bao giờ đi học hoặc đã thôi học) giảm đáng kể, từ 20,9% năm 1999 xuống 16,4% năm 2009 và còn 8,3% năm 2019.
Có sự khác biệt về tình trạng không đi học của học sinh ở khu vực thành thị với khu vực nông thôn và giữa các vùng kinh tế – xã hội. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học không đi học ở khu vực nông thôn cao gấp 1,7 lần so với khu vực thành thị, tương ứng là 9,5% và 5,7%. Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long là các vùng có tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học nhưng không đi học cao nhất cả nước, tỷ lệ của mỗi vùng là 13,3%. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đi học ở vùng Đồng bằng sông Hồng là thấp nhất, chiếm 3,2%.
Tỷ lệ không đi học của dân số nữ thấp hơn dân số nam, tương ứng là 7,5% và 9,2%. Tình trạng này tương tự như năm 2009 nhưng hoàn toàn trái ngược so với cách đây 20 năm. Năm 1999, tỷ lệ dân số nữ trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đi học là 23,5%, cao hơn tỷ lệ dân số nam trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đi học 5 điểm phần trăm và cao gấp ba lần tỷ lệ này của nữ trong năm 2019. Bằng chứng này cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong nhiều năm qua nhằm tăng cường bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục đã được thực hiện rất thành công.
6.2. Tỷ lệ đi học chung và tỷ lệ đi học đúng tuổi
Tỷ lệ đi học là chỉ tiêu phản ánh đầu vào của giáo dục. Tỷ lệ đi học chung là số học sinh/sinh viên đang tham gia vào một cấp giáo dục, không kể tuổi, tính trên 100 người trong tuổi đến trường của cấp học đó. Tỷ lệ đi học đúng tuổi là số học sinh/sinh viên trong tuổi đến trường của một cấp học đang tham gia vào cấp học đó tính trên 100 người trong tuổi đến trường của cấp học đó.
Kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, tỷ lệ đi học chung của bậc tiểu học là
101,0%, bậc THCS là 92,8%, bậc THPT là 72,3%. Ở cấp tiểu học, không có sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn về tỷ lệ đi học chung (100,9% so với 101,0%). Cấp học càng cao thì khoảng cách chênh lệch về tỷ lệ đi học chung giữa thành thị và nông thôn càng lớn, cụ thể: ở cấp THCS, tỷ lệ đi học chung của khu vực thành thị cao hơn tỷ lệ đi học chung của khu vực nông thôn là 3,4 điểm phần trăm; mức chênh lệch này ở cấp THPT là 13,0 điểm phần trăm.
So với năm 2009, tỷ lệ đi học chung và đi học đúng tuổi ở bậc THCS và THPT năm 2019 tăng lên đáng kể6 nhưng sự khác biệt giữa các vùng, miền còn khá lớn. Tỷ lệ đi học chung và đi học đúng tuổi ở trình độ THCS và THPT cao nhất là ở vùng Đồng bằng sông Hồng và thấp nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mức chênh lệch về tỷ lệ đi học đúng tuổi của hai vùng này lên đến 28,4 điểm phần trăm đối với trình độ THPT và 12,5 điểm phần trăm đối với trình độ THCS.
6.3. Tình hình biết đọc biết viết
Biết đọc biết viết (biết chữ) là khả năng đọc và viết một đoạn văn đơn giản trong sinh hoạt
hàng ngày bằng tiếng quốc ngữ, tiếng dân tộc hoặc tiếng nước ngoài. Câu hỏi về tình trạng biết đọc biết viết được hỏi đối với những người chưa hoàn thành bậc tiểu học (chưa học hết lớp 5) và giả thiết là tất cả những người có trình độ học vấn cao nhất từ bậc tiểu học trở lên đều biết đọc biết viết. Tỷ lệ biết đọc biết viết là một trong những chỉ tiêu chung nhất phản ánh đầu ra của giáo dục, được định nghĩa là tỷ lệ phần trăm những người biết chữ của một độ tuổi nhất định trong tổng dân số của độ tuổi đó.
Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên là
95,8%, tăng 1,8 điểm phần trăm so với năm 2009. Trong 20 năm qua, tỷ lệ biết chữ của nữ tăng 7,7 điểm phần trăm; khoảng cách chênh lệch về tỷ lệ biết chữ giữa nam và nữ được thu hẹp đáng kể.
Năm 1999, tỷ lệ biết chữ của nam là 93,9%, cao hơn tỷ lệ này của nữ 7,0 điểm phần trăm; đến năm2019, tỷ lệ biết chữ của nam đạt 97,0%, cao hơn tỷ lệ này của nữ 2,4 điểm phầm trăm.
Tỷ lệ biết chữ của dân số sống tại khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn do có
khoảng cách phát triển giữa hai khu vực này. Tuy nhiên trong những năm gần đây, nhờ có chính sách phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ nên sự chênh lệch về tỷ lệ biết chữ giữa hai khu vực này đang dần thu hẹp, với chênh lệch 4,0 điểm phần trăm, thấp hơn so với mức chênh lệch 4,7 điểm phần trăm năm 2009.
Đồng bằng sông Hồng là vùng có tỷ lệ biết chữ cao nhất (98,9%). Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ biết chữ thấp nhất (89,9%), đây cũng là vùng có sự chênh lệch về tỷ lệ biết chữ giữa thành thị và nông thôn cao nhất cả nước (10,1 điểm phần trăm). Tiếp theo là Tây Nguyên với mức chênh lệch thành thị – nông thôn lên đến 8,6 điểm phần trăm trong khi mức chênh lệch này ở các vùng còn lại chỉ dưới 3,0 điểm phần trăm.
Dân số Việt Nam 2019 phân theo tỉnh/thành
Bảng xếp hạng dân số tỉnh/thành Việt Nam 2019
KẾT LUẬN
Kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, trải qua 10 năm, quy mô dân số nước ta tăng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn 10 năm trước; tỷ lệ tăng dân số được kiểm soát. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương đã tác động đến quá trình phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động. Mục tiêu “quy mô dân số đến năm 2020 không vượt quá 98 triệu người” như đã nêu trong Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2011 là hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên, với kết quả của Tổng điều tra năm 2019, Việt Nam cần nhiều nỗ lực và giải pháp hơn nữa trong tiến trình đô thị hóa để phấn đấu đạt được mục tiêu “tỷ lệ dân số đô thị đạt trên 45% vào năm 2030” theo Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới.
Theo kết quả Tổng điều tra năm 2019, trình độ dân trí phần nào đã được cải thiện. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết tăng mạnh, hầu hết trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông đang được đến trường, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường giảm mạnh. Ngoài ra, những nỗ lực của Việt Nam nhằm tăng cường bình đẳng giới cũng đã đạt được một số thành công nhất định trong những năm qua.
Trong 10 năm qua, điều kiện nhà ở của các hộ dân cư đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt ở khu vực thành thị. Hầu hết các hộ dân cư đều có nhà ở và chủ yếu sống trong các loại nhà kiên cố và bán kiên cố; diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng lên đáng kể, sát với mục tiêu Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ hộ dân cư đang sống trong các ngôi nhà thiếu kiên cố/đơn sơ hoặc nhà ở có diện tích bình quân dưới 6m2/người. Đây là những đối tượng cần được quan tâm trong các chính sách cải thiện nhà ở dân cư trong thời gian tới./.
Nguồn: BAN CHỈ ĐẠO TỔNG ĐIỀU TRA DÂN SỐ VÀ NHÀ Ở TRUNG ƯƠNG
Link tài liệu: https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=512&idmid=5&ItemID=19279