Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) – quản lý kinh tế xã hội

0
7072

“Tỉnh An Giang là một trong những tỉnh sớm có ý tưởng và ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS vào quản lý kinh tế xã hội của tỉnh An Giang. Năm 2005, Sở Khoa học và Công nghệ đã được UBND tỉnh cho phép triển khai đề tài ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS để xây dựng cơ sở dữ liệu nền cho một số ngành của tỉnh An Giang như xây dựng, giao thông, nông nghiệp, giáo dục, y tế… đến năm 2006 đã nghiệm thu và đến nay đã mở nhiều lớp đào tạo để nâng cao hiệu quả của đề tài.”

Ths. Mai Thị Ánh Tuyết

PGĐ Sở Khoa học và Công nghệ An Giang

Hệ thống thông tin địa lý (Geographical Information System – gọi tắt là GIS) là một phần của công nghệ thông tin được hình thành vào những năm 1960 và phát triển rộng rãi trong 10 năm lại đây. Ngày nay, GIS là một công cụ trợ giúp quyết định sự thành công trong nhiều hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng của nhiều quốc gia trên thế giới. Hệ thống thông tin địa lý GIS có khả năng đánh giá hiện trạng của quá trình, các thực thể của tự nhiên, kinh tế – xã hội thông qua chức năng thu thập, quản lý, truy vấn, phân tích và tích hợp các thông tin được gắn với nền hình học (bản đồ) nhất quán trên cơ sở tọa độ của các dữ liệu đầu vào. Do đó, việc ứng dụng hệ thống thông tin địa lý là rất cần thiết, phù hợp với xu thế tin học hóa xã hội và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của nước ta nói chung và của tỉnh An Giang.

Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) - quản lý kinh tế xã hội
Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) – quản lý kinh tế xã hội

Ngày nay, việc ứng dụng GIS được đưa rộng rãi vào hoạt động các lĩnh vực để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước. Khái niệm về hệ thông tin địa lý GIS còn chưa được hoàn toàn thống nhất do những góc độ nghiên cứu và ứng dụng khác nhau. Nếu xét dưới góc độ hệ thống thì GIS có thể được hiểu như một hệ thống gồm các thành phần: con người, phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu và quy trình kiến thức chuyên gia, nơi tập hợp các quy định, quy phạm, tiêu chuẩn, định hướng, chủ trương ứng dụng của nhà quản lý, các kiến thức chuyên ngành và các kiến thức về công nghệ thông tin, nhằm thu thập, lưu trữ quản lý, hiệu chỉnh, phân tích, tạo lập và hiển thị các dữ liệu không gian cho những mục đích khác nhau.

Xây dựng một hệ thống GIS cần phải quyết định GIS sẽ được xây dựngtheo mô hình ứng dụng nào, lộ trình và phương thức tổ chức thực hiện nào. Từ đó, xác định rõ việc GIS thực hiện các chức năng trợ giúp quyết định nào và quyết định về nội dung gì, cấu trúc hợp phần của hệ thống và cơ cấu tài chính cần đầu tư để hình thành và phát triển hệ thống GIS.

Xét dưới góc độ ứng dụng trong quản lý Nhà nước, GIS có thể được hiểu như là một công nghệ xử lý các dữ liệu có tọa độ (bản đồ) để biến chúng thành các thông tin trợ giúp quyết định cho các nhà quản lý. Do các ứng dụng GIS rất hiệu quả, nhanh chóng, giúp cho quản lý Nhà nước đa dạng về các khía cạnh tự nhiên, xã hội và cả khía cạnh quản lý, nhất là những năm gần đây GIS được khai thác như một hệ thống thông tin đa qui mô và đa tỉ lệ. Tùy thuộc vào nhu cầu của người sử dụng mà hệ thống có thể tích hợp thông tin ở nhiều mức khác nhau để phục vụ tốt nhu cầu điều hành, quản lý kinh tế – xã hội một cách nhanh chóng và hiệu quả cao. Thông tin địa lý GIS đã được công nhận là một hệ thống với nhiều lợi ích không chỉ trong công tác thu thập đo đạc địa lý, quản lý mà còn hỗ trợ rất có hiệu quả trong công tác điều tra tài nguyên thiên nhiên, phân tích hiện trạng và dự báo xu hướng diễn biến tài nguyên môi trường.

Điển hình như việc ứng dụng thông tin địa lý GIS vào hoạt động phát triển du lịch tỉnh An Giang thì hệ thống thông tin địa lý GIS sẽ hỗ trợ tích cực và hiệu quả cao trong việc quản lý và cung cấp thông tin về hiện trạng phát triển du lịch, quản lý và cung cấp thông tin về tài nguyên du lịch, kiểm kê tài nguyên, quản lý và cung cấp các thông tin về môi trường du lịch, đánh giá các vùng thuận lợi và ưu tiên đầu tư phát triển du lịch và cả việc quản lý và cung cấp thông tin trợ giúp. Bên cạnh, công nghệ GIS với công tác quản lý môi trường du lịch nhằm kiểm soát trạng thái môi trường, cung cấp kịp thời thông tin cho các nhà quản lý để làm căn cứ cho những quyết định, giải pháp nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch trong quan hệ với môi trường. Quản lý tài nguyên và môi trường du lịch bằng công nghệ GIS là ứng dụng có hiệu quả nhất vì tài nguyên và môi trường du lịch là yếu tố động dưới tác động của các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của con người. Nếu không có công cụ đủ mạnh để quản lý sự biến động cả không gian và thời gian thì khó có thể kiểm soát và kịp thời đưa ra những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ và ngăn chặn sự suy giảm tài nguyên, môi trường.

Tại Việt Nam công nghệ GIS được thí điểm khá sớm và đến nay được ứng dụng trong khá nhiều ngành như quy hoạch nông lâm nghiệp, quản lý rừng, lưu giữ tư liệu địa chất, đo đạc bản đồ, địa chính, quản lý đô thị… đã mang lại hiệu quả bước đầu cho hoạt động phát triển kinh tế – xã hội và an ninh quốc phòng của nước ta và đang có nhiều triển vọng phát triển nhanh trong thời gian sắp tới.

Tỉnh An Giang là một trong những tỉnh sớm có ý tưởng và ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS vào quản lý kinh tế xã hội của tỉnh An Giang. Năm 2005, Sở Khoa học và Công nghệ đã được UBND tỉnh cho phép triển khai đề tài ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS để xây dựng cơ sở dữ liệu nền cho một số ngành của tỉnh An Giang như xây dựng, giao thông, nông nghiệp, giáo dục, y tế… đến năm 2006 đã nghiệm thu và đến nay đã mở nhiều lớp đào tạo để nâng cao hiệu quả của đề tài. Tuy nhiên, cần phải có đánh giá cụ thể những thuận lợi, hạn chế của đề tài khi đưa ra ứng dụng để tiếp tục duy trì việc cập nhật cơ sở dữ liệu nền của các ngành đã thực hiện của đề tài vừa qua và xem xét nên tiếp tục nghiên cứu những đề tài nhánh để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của GIS đúng chức năng, công dụng, hiệu quả của nó, không chỉ ứng dụng ở lĩnh vực lưu trữ, in ấn các tư liệu bản đồ bằng công nghệ GIS mà phải đưa ứng dụng GIS trong công tác quản lý, điều hành, trợ giúp quyết định, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh An Giang một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất./.

Previous article[Học WebGIS nâng cao] – Bài toán tìm đường với PostGIS+ pgRouting
Next articleBản đồ Bình Dương, bản đồ các huyện/thị Bình Dương

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.