Các phương pháp đánh giá đất đai cho dân đất đai tham khảo

0
8593

1. Phương pháp đánh giá đất của FAO

Đây là phương pháp được sử dụng khá phổ biến. Các khái niệm được trình bày trên được sử dụng khá rộng rãi ở các nước Tây Âu và phương pháp đã được tổ chức FAO thừa nhận, hoàn chỉnh thành cẩm nang hướng dẫn đánh giá đất đai để áp dụng rộng rãi. Ví dụ năm 1979, FAO xuất bản cẩm nang hướng dẫn “Đánh giá đất đai cho lâm nghiệp”. Trên cơ sở đó một số nội dung hoặc khái niệm được xác định như sau:

(1) Đánh giá tiềm năng sử dụng đất đai (land capability):

Đánh giá tiềm năng sử dụng đất đai là việc phân chia hay phân hạng đất đai thành các nhóm dựa trên các yếu tố thuận lợi hay hạn chế trong sử dụng như độ dốc, độ dày tầng đất, đá lẫn, tình trạng xói mòn, úng ngập, khô hạn, mặn hoá, v.v. Trên cơ sở đó có thể lựa chọn những kiểu sử dụng đất phù hợp.

Việc đánh giá tiềm năng sử dụng đất thường áp dụng trên qui mô lớn như trong phạm vi một nước, một tỉnh hay một huyện. Đánh giá tiềm năng đất được áp dụng thành công ở Mỹ và một số nước khác. Yếu tố hạn chế là những yếu tố hầu như không thay đổi được như độ dốc, độ dày tầng đất, khí hậu.

Ở Mỹ đất đai toàn quốc được phân thành 8 nhóm với yếu tố hạn chế tăng dần từ nhóm I tới nhóm VIII. Nhóm I là nhóm thuận lợi nhất trong sử dụng, có rất ít yếu tố hạn chế. Nhóm VIII là nhóm có nhiều hạn chế nhất trong sử dụng.

Yếu tố hạn chế chủ yếu được thể hiện qua chữ viết tắt như xói mòn là e, dư thừa nước là w…. Ví dụ IV-e, IV-w là nhóm đất IV có yếu tố hạn chế là đất bị xói mòn, bị ngập úng.

Đánh giá tiềm năng sử dụng đất là phương pháp đánh giá đất đai tổng quát với mục tiêu sử dụng lớn như cho nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch hoặc các mục tiêu khác không phải là nông, lâm nghiệp và không đi sâu đánh giá chi tiết cho từng thành phần của mỗi kiểu sử dụng đất tổng quát.

(2) Đánh giá mức độ thích hợp đất đai (land suitability):

Đánh giá mức độ thích hợp đất đai là quá trình xác định mức độ thích hợp cao hay thấp của các kiểu sử dụng đất cho một đơn vị đất đai và tổng hợp cho toàn khu vực dựa trên so sánh yêu cầu kiểu sử dụng đất với đặc điểm các đơn vị đất đai.

Đánh giá mức độ thích hợp đất đai có thể áp dụng chỉ cho một kiểu sử dụng đất nhất định, ví dụ cho một loài cây trồng nông nghiệp như ngô, lúa hay lâm nghiệp như thông, keo, bạch đàn, v.v. hoặc cho nhiều kiểu sử dụng đất khác nhau để so sánh lựa chọn. Ngoài ra còn phân biệt đánh giá độ thích hợp hiện tại dựa trên thực trạng hiện nay và đánh giá độ thích hợp trong tương lai khi mà có những tác động lớn vào đất đai như đầu tư cao, áp dụng mạnh các tiến bộ khoa học công nghệ. Quá trình đánh giá mức độ thích hợp đất đai có thể tóm tắt như sau:

  • Xác định kiểu sử dụng đất hay loài cây trồng cần đánh giá
  • Xác định các đơn vị đất đai.
  • Xác định đặc điểm các yếu tố đơn vị đất đai.
  • Xác định các yêu cầu, đòi hỏi của kiểu sử dụng đất hay loài cây trồng theo mức độ thích hợp khác nhau dựa trên các yếu tố của đơn vị đất đai.

So sánh các yêu cầu của loài cây hay kiểu sử dụng đất với đặc điểm các  yếu tố đất đai để xác định mức độ thích hợp các kiểu sử dụng đất hay loài cây trồng.

Tổng hợp đánh giá kết quả

(3) Hệ thống đánh giá sử dụng đất đai

Kiểu sử dụng đất và loài cây trồng thích hợp (Viết tắt là S – Suitable) với điều kiện đất đai. Mức độ thích hợp (s) được phân chia thành 3 mức:

  •  Thích hợp cao (S1): Đất hầu như không có hạn chế đáng kể khi thực hiện cácbiện pháp canh tác.
  •  Thích hợp trung bình (S2): Đất có hạn chế nhất định làm giảm năng suất cây trồng hoặc nâng cao chi phí canh tác nhưng vẫn thích hợp cho cây trồng hoặc kiểu sử dụng đất.
  •  Thích hợp kém (S3): Đất có hạn chế đáng kể làm giảm mạnh năng suất và tăng cao chi phí canh tác rõ rệt. Hiệu quả kinh tế bị suy giảm đáng kể.

Kiểu sử dụng đất và loài cây trồng không thích hợp (Viết tắt là N – notsuitable) với điều kiện đất đai. Mức độ không thích hợp (N) có thể phân thành 2 mức:

  •  Không thích hợp hiện tại (N1): Đất có hạn chế lớn, trong điều kiện kỹ thuật và chi phí hiện tại kiểu sử dụng đất sẽ không có hiệu quả. Tuy nhiên trong tương lai các điều kiện kỹ thuật, đầu tư thay đổi các kiểu sử dụng đất có thể thích hợp ở mức độ nào đó với cây trồng.
  •  Không thích hợp vĩnh viễn (N2): Đất có hạn chế không thể khắc phục được.

Chú ý: Xác định yếu tố hạn chế cho từng mức độ thích hợp thể hiện bằng các chữ như e: xói mòn, w: ẩm ướt, t: địa hình, địa mạo, v.v. Ví dụ như S2e là mức độ thích hợp trung bình nhưng có hạn chế do bị xói mòn. S2et là mức độ thích hợp trung bình nhưng có hạn chế về xói mòn và địa hình. S3w là mức độ thích hợp kém và có hạn chế về nguồn nước trong đất.

Xác định yêu cầu về mặt quản lý thể hiện bằng con số 1 (rất dễ),2 (dễ) ,3 (khó)… để trong ngoặc, ví dụ như  S2e(2) là Mức độ thích hợp trung bình nhưng có hạn chế do bị xói mòn và mức độ quản lý đơn giản v.v.

2. Đánh giá đất đai dựa trên cơ sở lập địa (Site)

2.1.  Tiêu chí phân chia lập địa (Site)

Phương pháp được áp dụng khá phổ biến ở Cộng hoà dân chủ Đức trước kia (nay là Cộng hoà liên bang Đức). Ngoài ra ở Ukraina nhà lâm học có uy tín Pogrebnhiac có phân chia lập địa phục vụ công tác trồng rừng và xác định các kiểu rừng. Có rất nhiều định nghĩa về lập địa nhưng có thể hiểu bản chất của khái niệm là:

“Lập địa là một phạm vi lãnh thổ nhất định với tất cả những yếu tố ngoại cảnh ảnh hưởng tới sự sinh sinh trưởng của cây cối. Lập địa theo nghĩa hẹp bao gồm 3 thành phần: Khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng và lập địa theo nghĩa rộng bao gồm 4 thành phần: khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng, thế giới động thực vật”.

Phương pháp này nghiên cứu mối quan hệ giữa các thành phần tự nhiên với nhau, giữa các thành phần tự nhiên với cây trồng trong một không gian nhất định và được cụ thể hoá trên bản đồ. Đại diện cho cách làm này có Krauss (1935, 1954), Kopp (1965, 1969), và W. Schwaneeker (1965, 1974). Ở Liên xô cũ lập địa được coi là điều kiện nơi sinh trưởng, nghĩa là tác động tổng hợp của các yếu tố ngoại cảnh hình thành nên các kiểu rừng nhất định và ảnh hưởng trực tiếp tới sinh trưởng của thực vật rừng.

Những yếu tố xác định lập địa có nhiều nét tương đồng các yếu tố xác định đơn vị đất đai. Đơn vị cơ bản của hệ thống phân loại lập địa là dạng lập địa và nhóm dạng lập địa. Đó cũng là đơn vị cơ bản để đánh giá đất đai hoặc xác định các loài cây trồng phù hợp. Các yếu tố chính xác định các dạng lập địa cũng là địa hình (độ dốc, vị trí chân, sườn, đỉnh), loại đất, độ dày tầng đất, thực bì,.v.v. Sau đây là một số phương pháp phân chia lập địa.

a). Phân chia lập địa dựa vào độ phì và độ ẩm của đất.

Pogrebnhiac (Ucraina, 1992) đã phân chia lập địa làm cơ sở cho trồng rừng và xác định các kiểu rừng dựa trên 2 tiêu chí chính là độ phì và độ ẩm của đất. Độ phì được chia làm 4 cấp: rất xấu (A), xấu (B), trung bình (C), tốt (D). Độ ẩm đất chia làm 6 cấp: rất khô (0), khô (1), ẩm vừa (2), ẩm (3), ướt (4), lầy (5). Tổng hợp 2 tiêu chí trên sẽ có 24 kiểu lập địa như sau:

Bảng 1. Các kiểu lập địa dựa vào độ phì và độ ẩm

Độ phì Độ ẩm
0 1 2 3 4 5
A A0 A1 A2 A3 A4 A5
B B0 B1 B2 B3 B4 B5
C C0 C1 C2 C3 C4 C5
D D0 D1 D2 D3 D4 D5

Việc xác định độ phì có thể dựa vào tác dụng chỉ thị của tầng cây gỗ do chúng có bộ rễ ăn sâu và quan hệ chặt chẽ với độ phì của đất, còn độ ẩm dựa vào lớp thảm tươi do chúng nhạy cảm hơn với sự thay đổi của độ ẩm. (ví du: A0 là đất rất xấu và rất khô…)

Lập địa có thể phân chia ở cấp vĩ mô (quốc gia, tỉnh, huyện, v.v.) hoặc vi mô (xã, thôn v.v.). Trong ứng dụng hiện nay để phục vụ cho các dự án trồng rừng lập địa được phân chia và đánh giá ở cấp vi mô.

b).  Phân chia lập địa dựa vào điều kiện thoát nước

Một phân loại khác về lập địa được áp dụng ở Liên xô cũ, do đặc điểm điều kiện thoát nước kém ở vùng Tây Bắc (vùng Saint Pesterburg) nên lập địa được phân chia dựa trên 3 yếu tố: đá mẹ hình thành đất, địa hình, chế độ thoát nước (Blaglovidop, Buadop 1958, 1959, Trectop 1977, 1981). Đó là đơn vị cơ bản của lập địa gọi là kiểu lập địa. Trectop trong quá trình nghiên cứu còn bổ sung thêm tiêu chuẩn phân chia lập địa là kiểu mùn vì ông cho rằng kiểu mùn phản ánh quá trình hình thành và phát triển độ phì đất rừng (1981).

Trên cùng một kiểu khí hậu, hệ thống phân loại lập địa được phân chia như sau: (1) Nhóm lập địa dựa vào điều kiện thoát nước để phân chia; (2) Nhóm phụ lập địa dựa vào điều kiện thoát nước và đá mẹ hình thành đất; (3) Kiểu lập địa dựa vào 3 yếu tố trên.

Điều kiện thoát nước tác giả phân chia thành 6 kiểu: Thoát nước mạnh; Thoát nước bình thường; Thoát nước không tốt; Thoát nước kém; Tạo thành dòng chảy rất yếu; Tạo thành dòng chảy yếu.

Đá mẹ hình thành dựa trên quan điểm sinh thái cần xem xét các yếu tố là độ dày tầng đất và thành phần cấp hạt.

Đỗ Đình Sâm (1990) trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm sinh khí hậu ở Việt Nam, đặc biệt chế độ khô hạn mùa khô ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của rừng và hình thành các kiểu rừng khác nhau nên đã đề xuất tiêu chí mức độ khô hạn mùa khô cùng mức độ thoát nước để xác định các nhóm lập địa ở Việt Nam. Mức độ khô hạn được chia làm 4 cấp: rất khô, khô, ẩm và ẩm thường xuyên dựa trên chế độ nhiệt ẩm, đai cao so mặt biển, đặc điểm đất, địa hình.

Các nhóm lập địa đất rừng chính ở Việt Nam theo tác giả phân chia là: Nhóm lập địa thoát nước mạnh, rất khô hạn; Nhóm lập địa thoát nước mạnh, khô hạn mùa khô; Nhóm lập địa thoát nước mạnh, ẩm thường xuyên; Nhóm lập địa thoát nước, rất khô hạn; Nhóm lập địa thoát nước, khô hạn; Nhóm lập địa thoát nước, ẩm thường xuyên; Nhóm lập địa thoát nước không tốt, rất khô hạn; Nhóm lập địa thoát nước không tốt, ẩm; Nhóm lập địa thoát nước yếu, ẩm; Nhóm lập địa thoát nước yếu, khô hạn.

Từ 1991 đến 1995 khi đánh giá tiềm năng sản xuất đất lâm nghiệp và hoàn thiện phương pháp điều tra lập địa, Đỗ Đình Sâm và cộng sự đã xác định hệ thống tiêu chuẩn phân chia dạng lập địa theo nguyên tắc: Không sử dụng các yếu tố và tiêu chuẩn phân chia giống nhau trong phân chia lập địa. Cần xét tới yếu tố chủ đạo trong phân chia. Các yếu tố lựa chọn cần được xem xét phù hợp và thoả mãn với mục đích kinh doanh, mức độ thâm canh. Trên cơ sở đó tác giả đề xuất 3 nhóm yếu tố tham gia phân chia lập địa

c).  Phân chia lập địa dựa vào địa hình thổ nhưởng và điều kiện thoát nước

Nhóm yếu tố địa hình: Bao gồm 2 yếu tố là vị trí và độ dốc. Yếu tố vị trí được chia ra theo 3 cấp là chân, sườn, đỉnh. Yếu tố độ dốc được phân chia tuỳ từng điều kiện cụ thể.

Nhóm yếu tố thổ nhưỡng: Gồm 3 yếu tố quan trọng là nhóm và loại đất, thành phần cơ giới đất và độ dày tầng đất. Nhóm và loại đất được xác định thông qua bản đồ thổ nhưỡng và điều tra thực địa. Thành phần cơ giới đất được chia ra thành 4 cấp là cát rời, cát pha, thịt và sét. Độ dày tầng đất được xác định cùng với tỷ lệ đá lẫn, kết von. Phân chia cấp độ dày tuỳ từng đối tượng cây trồng.

Nhóm yếu tố chế độ thoát nước và ngập nước: Gồm 2 yếu tố là chế độ thoát nước và chế độ ngập nước. Với chế độ thoát nước, 4 cấp để đánh giá là thoát nước mạnh, thoát nước trung bình, thoát nước yếu và thoát nước rất yếu. Đối với yếu tố chế độ ngập nước thì các cấp phân chia phụ thuộc vào đối tượng và điều kiện thực tế. Nhóm chế độ thoát nước và ngập nước có ý nghĩa sinh thái cho nhiều vùng như đất chua phèn, đất dưới rừng khộp, một số vùng ở Đông Nam bộ, vùng ven biển.

2.2. Phân chia lập địa trong lâm nghiệp ở Việt Nam

a).  Các cấp phân chia lập địa

Căn cứ vào đặc điểm tự nhiên ở Việt Nam, Nguyễn Văn Khánh (1996) Viện điều tra Quy hoạch rừng đề xuất một hệ thống phân chia lập địa Lâm nghiệp cho toàn quốc gồm 6 cấp theo sơ đồ sau:

Hình 1: Hệ thống phân chia lập địa cho toàn thế giới

Miền lập địa: Miền lập địa là một lãnh thổ khép kín được đặc trưng bởi một chế độ nhiệt riêng trong đó có hay không có mùa đông lạnh (mùa đông lạnh là mùa đông có một số tháng ở đó nhiệt độ bình quân dưới 200C) là dấu hiệu để phân chia.

Á  miền lập địa: Á miền lập địa là một lãnh thổ khép kín, có đặc trưng của miền lập địa là chế độ nhiệt đồng thời còn có đặc trưng riêng của á miền là thời gian mưa trong năm.

Vùng lập địa: Vùng lập địa là một lãnh thổ khép kín được phân ra từ á miền lập địa. Vùng lập địa là kết quả đan xen của một vùng địa mạo, một vùng khí hậu, trong đó miền Bắc lấy trường độ và cường độ lạnh làm dấu hiệu phân chia, miền Nam lấy trường độ và cường độ khô hạn làm dấu hiệu phân chia.

Tiểu vùng lập địa: Tiểu vùng lập địa là một lãnh thổ khép kín được phân ra từ vùng lập địa mang các đặc trưng chung của các cấp phân vị trên nó đồng thời mang đặc trưng riêng của nó đó là tổng hợp của một kiểu địa hình, một kiểu khí hậu và một nhóm đất chính hoặc phụ trong đó kiểu khí hậu bao gồm 4 yếu tố: Nhiệt độ bình quân năm, nhiệt độ bình quân tháng lạnh nhất, lượng mưa năm và số lượng tháng khô.

Dạng đất đai: Dạng đất đai là cấp trung gian giữa tiểu vùng lập địa và cấp dạng lập địa (đơn vị cơ sở của lập địa). Dạng đất đai được chia nhỏ ra từ kiểu vùng lập địa bởi thêm vào kiểu địa hình, yếu tố độ dốc (cấp độ dốc) hoặc thoát nước, thêm vào nhóm đất chính hoặc đất phụ cấp độ dày tầng đất hoặc cấp thành phần cơ giới.

Dạng lập địa: Dạng lập địa là đơn vị cơ sở của lập địa có khí hậu của tiểu vùng lập địa, được đặc trưng bởi một đơn vị địa mạo thấp nhất (chân, sườn, đỉnh…) một bậc độ dốc, một đơn vị thổ nhưỡng thấp nhất (thổ chủng hoặc biến chủng) và bao chiếm một diện tích nhất định.

b).  Các thành phần tham gia phân chia lập địa

b1. Thành phần khí hậu

Yếu tố và chỉ tiêu tham gia phân chia Miền lập địa:Yếu tố và chỉ tiêu tham gia miền lập địa là có hay không có mùa đông lạnh ở hai đai nhiệt đới cơ sở. Để phân chia miền lập địa, nhiệt độ bình quân năm và nhiệt độ bình quân tháng là yếu tố được lựa chọn để phân chia. Quy định tên gọi theo nhiệt độ bình quân như sau:

  •  Nhiệt độ bình quân năm trên 250 C: Cận xích đạo;
  •  Nhiệt độ bình quân năm từ 20 – 240 C: Nhiệt đới;
  •  Nhiệt độ bình quân năm từ 15 – 190 C: Cận nhiệt đới;
  •  Nhiệt độ bình quân năm dưới 150 C: Cận nhiệt đới núi cao;
  •  Nhiệt độ bình quân tháng trên 250 C: Tháng rất nóng;
  •  Nhiệt độ bình quân tháng từ 20 – 240 C: Tháng nóng;
  •  Nhiệt độ bình quân tháng từ 15 – 190 C: Tháng lạnh;
  •  Nhiệt độ bình quân tháng dưới 150 C: Tháng rét.

Yếu tố và chỉ tiêu tham gia phân chia Á miền lập địa: Thời gian mưa trong năm là yếu tố tham gia phân chia á miền lập địa. Quy định theo tháng như sau:

  •  Mùa xuân: Các tháng III, IV;
  •  Mùa hè: Các tháng V- IX;
  •  Mùa thu: Các tháng X, XI;
  •  Mùa đông: Các tháng XII, I, II.

Và độ dài của mùa mưa được xác định:

  •  Mùa mưa ngắn: Dưới 3 tháng;
  •  Mùa mưa trung bình: Từ 3 đến 6 tháng;
  •  Mùa mưa dài: Từ 7 đến 9 tháng;
  • Mùa mưa rất dài: Trên 9 tháng.

Yếu tố và chỉ tiêu khí hậu tham gia phân chia Vùng lập địa:

Vùng ẩm (Miền Bắc): Dựa vào trường độ và cường độ lạnh. Trường độ lạnh tính theo số tháng có nhiệt độ bình quân dưới 200 C, cụ thể là:

  •  Mùa lạnh ngắn: 3 tháng liên tục có nhiệt độ bình quân tháng dưới 200C;
  •  Mùa lạnh trung bình: 4 – 6 tháng liên tục có nhiệt độ bình quân tháng dưới 200C;
  •  Mùa lạnh dài: 7 – 9 tháng liên tục có nhiệt độ bình quân tháng dưới 200C;
  •  Mùa lạnh rất dài: Trên 9 tháng liên tục có nhiệt độ bình quân tháng dưới 200C.

Vùng khô hạn (Miền Nam) Dựa vào trường độ và cường độ khô hạn. Cường độ khô tính theo số tháng khô liên tục (tháng khô tính theo công thức Gaussen), cụ thể:

  •  Mùa khô ngắn: Thời gian mùa khô dưới 2 tháng
  •  Mùa khô trung bình: Thời gian mùa khô dưới từ 3 – 4 tháng
  •  Mùa khô dài: Thời gian mùa khô dưới từ 5 – 6  tháng
  •  Mùa khô rất dài: Thời gian mùa khô dưới trên 7 tháng

Yếu tố và chỉ tiêu tham gia phân chia Tiểu vùng lập địa: Khí hậu đặc trưng cho tiểu vùng lập địa là kiểu vùng khí hậu. Kiểu khí hậu gồm 4 yếu tố:

  •  Nhiệt độ bình quân năm
  •  Nhiệt độ bình quân tháng lạnh nhất.
  •  Trường độ khô (số tháng khô)
  •  Lượng mưa bình quân năm: Được chia làm 5 cấp với tên gọi như sau:
    •  Mưa rất nhiều: Lượng mưa bình quân năm trên 2500mm
    •  Mưa nhiều: Lượng mưa bình quân năm từ 2000 đến 2500mm.
    •  Mưa trung bình: Lượng mưa bình quân năm từ 1500 đến 2000mm.
    •  Mưa ít: Lượng mưa bình quân năm từ 1000 đến 1500mm
    •  Mưa rất ít: Lượng mưa bình quân năm dưới 1000mm

Mỗi kiểu khí hậu là sự đồng nhất của 4 yếu tố tạo thành kiểu khí hậu nêu trên. Dựa vào sự phân chia này, đã xác định 146 kiểu khí hậu trên phạm vi toàn quốc.

b2. Thành phần địa hình

Căn cứ vào thực tế ở Việt Nam, người ta chia làm 8 kiểu địa hình chính là:

  •  Địa hình núi (1) gồm có 3 kiểu phụ: Núi cao (> 1700m), núi trung bình (700 – 1700m), núi thấp (300 – 700m)
  •  Sơn nguyên (2) gồm sơn nguyên cao (> 1500m), sơn nguyên trung bình (1000 – 1500m), cao nguyên thấp (500 – 1000m).
  •  Cao nguyên (3) gồm cao nguyên cao (> 1500m), cao nguyên trung bình (1000 – 1500m), cao nguyên thấp (500 – 1000m). Cao nguyên khác sơn nguyên ở chỗ độ cao tương đối của cao nguyên nhỏ hơn 25m, còn sơn nguyên từ 25 – 100m.
  •  Đồi (4) gồm đồi cao (200 – 300m); đồi trung bình (100 – 200m), đồi thấp (< 100m).
  •  Sụt võng, xâm thực bồi tụ giữa núi đồi (5) gồm thung lũng, bồn địa, lòng chảo…
  •  Kiểu caster (6).
  •  Bán bình nguyên (7)
  •  Đồng bằng (8)

b3. Thành phần thổ nhưỡng/đất

Phân chia các tiểu vùng lập địa dựa trên các nhóm đất chính và đất phụ. Nhóm đất phụ được xác định dựa trên nhóm đất chính và nhóm nền vật chất tạo đất.

Nhóm nền vật chất tạo đất được phân chia:

  •  Mácma chua, mácma kiềm.
  •  Trầm tích và biến chất có kết cấu hạt mịn.
  •  Trầm chất và biến chất có kết cấu hạt thô.
  •  Đá vôi và biến chất đá vôi.
  •  Phù sa cổ, phù sa mới, hỗn hợp đá, xác hữu cơ thực vật.
  •  Phù sa biển, phù sa song biển

b4. Các thành phần khác/thảm thực bì rừng

Ngoài ba thành phần khí hậu, địa hình và thổ nhưỡng tham gia phân chia trực tiếp các cấp và các cá thể trong cùng một cấp, ngoài ra còn sử dụng thành phần thảm thực bì rừng mà cụ thể là kiểu rừng, để tham gia kiểm tra đối chiếu các kết quả đã được phân chia vì chúng thường thể hiện mối quan hệ giữa lập địa và thực vật rừng được hình thành.

3.  Phương pháp đánh giá đất đai tổng hợp         

Đánh giá sử dụng đất có hiệu quả nên dựa vào nhiều yếu tố như tiềm năng đất đai; độ thích hợp của cây trồng và điều kiện kinh tế xã hội của từng vùng.

3.1. Tiềm năng của đơn vị đất đai (ĐVĐĐ)

Sẽ được xác định trên cơ sở tổng điểm của từng ĐVĐĐ dựa vào quy định điểm số cho từng chỉ tiêu như đã nêu. Tiềm năng sản xuất của ĐVĐĐ được xác định theo 3 hạng như sau:

  •  Hạng 1: Tiềm năng sản xuất cao: ĐVĐĐ có tổng điểm từ 21 điểm trở lên.
  •  Hạng 2: Tiềm năng sản xuất trung bình: ĐVĐĐ có tổng điểm từ 12 – 21 điểm;
  •  Hạng 3: Tiềm năng sản xuất thấp: ĐVĐĐ có tổng điểm dưới 12 điểm.

3.2. Đánh giá độ thích hợp cây trồng

Đánh giá độ thích hợp cây trồng được đánh giá theo từng đơn vị đất đai dựa trên các căn cứ sau: Tiềm năng sản xuất của đơn vị đất đai; Đặc tính sinh thái của các loài cây trồng; Qui trình trồng các loài cây đã được ban hành; Kinh nghiệm, kết quả và những tiến bộ kỹ thuật về trồng rừng.

Độ thích hợp cây trồng được đánh giá theo 4 cấp thích hợp đưới đây: S1: Thích hợp cao; S2: Thích hợp trung bình; S3: Thích hợp thấp; N: Không thích hợp.

Đánh giá độ thích hợp cây trồng bằng phương pháp so sánh dựa trên đặc tính sinh thái của loài cây với điều kiện tự nhiên của đơn vị đất đai (ĐVĐĐ). Xác định độ thích hợp cây trồng được tiến hành như sau:

  •  Xác định mức độ thích hợp của cây trồng dựa trên đặc tính sinh thái của từng loài theo các tiêu chí và chỉ tiêu về điều kiện tự nhiên, các qui trình trồng một số loài cây đã ban hành, kinh nghiệm, kết quả và những tiến bộ kỹ thuật về trồng rừng.
  •  So sánh cấp thích hợp chuẩn của loài cây dự kiến trồng rừng với các tiêu chí của ĐVĐĐ đã xác định ở khu vực đánh giá để xác định độ thích hợp của các loài cây đó với ĐVĐĐ đang đánh giá. Trong quá trình so sánh, độ thích hợp cây trồng được xác định dựa trên nguyên tắc yếu tố hạn chế là:

Nếu 1 trong 6 tiêu chí đánh giá ở mức không thích hợp (N) thì cây trồng thuộc cấp không thích hợp (N);

Nếu 1 trong 2 tiêu chí độ dốc, độ dày tầng đất ở cấp thích hợp kém (S3) thì cây trồng thuộc cấp thích hợp thấp (S3);

Nếu đa số (trên 50%) các tiêu chí đánh giá nằm ở cấp thích hợp nào cây trồng thuộc cấp thích hợp đó.

3.3.  Đánh giá điều kiện kinh tế – xã hội  

Điều kiện kinh tế – xã hội được phân chia thành 3 khu vực là Khu vực I (khu vực phát triển), Khu vực II (khu vực tạm ổn) và Khu vực III (khó khăn).

Lựa chọn cây trồng theo điều kiện kinh tế – xã hội. Việc quyết định lựa chọn cây trồng trong một khu vực hoặc một dự án được thực hiện dựa trên cơ sở đánh giá độ thích hợp cây trồng và điều kiện kinh tế – xã hội. Các cơ cấu để đưa ra cơ cấu cây trồng gồm: .

  •  Kết quả đánh giá tiềm năng sản xuất của đất
  •  Kết quả đánh giá độ thích hợp cây trồng theo điều kiện tự nhiên
  •  Kết quả đánh giá điều kiện kinh tế – xã hội .
  •  Kết quả đánh giá nguyện vọng người dân
  •  Kết quả đánh giá mục tiêu phát triển lâm nghiệp của khu vực hoặc dự án.

Chọn loài cây trồng phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội có ý nghĩa rất quan trọng đến sự thành công của sản xuất lâm nghiệp. Tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế – xã hội mà lựa chọn loài cây trồng cho phù hợp. Việc lựa chọn cây trồng đề xuất như sau:

Với điều kiện kinh tế – xã hội thuộc mức 1 (Khu vực I) và mức 2 (Khu vực II), chọn loại cây thích hợp ở cả 3 cấp gồm cấp thích hợp cao (S1), thích hợp trung bình (S2) và thích hợp thấp (S3).

Với những nơi có điều kiện kinh tế – xã hội thuộc mức 3 (Khu vực III), chọn loài cây thích hợp ở 2 cấp gồm cấp thích hợp cao (S1) và thích hợp trung bình (S2).

3.4.  Phương pháp đánh giá đất đai theo phân hạng đất đai

Phân hạng đất đai cũng là một phương pháp đánh giá đất đai. Phương pháp này áp dụng phổ biến ở Liên xô và các nước xã hội chủ nghĩa cũ và chủ yếu với cây trồng nông nghiệp.

Bản chất của phương pháp: này là tìm mối quan hệ giữa đặc điểm, tính chất đất đai với năng suất cây trồng để phân hạng đất thành các cấp khác nhau ứng với các loài cây trồng khác nhau. Trên cơ sở phân hạng đất có thể dự đoán được năng suất cây trồng.

Ví dụ: Phân hạng đất cây lâm nghiệp. Ở Việt Nam việc phân hạng đất trồng rừng như Bồ đề, Thông nhựa, Thông ba lá, Luồng, Hồi, Quế, v.v.Phân hạng đất cho cây lúa, cây trồng công nghiệp (Cà phê, cao su…) như đất hạng 1; hạng 2, hạng 3…..

Trong nông nghiệp: các yếu tố dùng để phân hạng thường là các loại đất như độ pH, hàm lượng hữu cơ, chất dễ tiêu N, P, K, v.v. Cách phân hạng thường dựa vào phương pháp cho điểm theo thang 10 điểm hoặc 50, 100 điểm.

Trong lâm nghiệp các yếu tố dùng để phân hạng thường là loại đất, độ pH, chất hữu cơ (mùn) thành phần cơ giới, độ dày tầng đất, thực bì chỉ thị cho độ phì đất hoặc mức độ thoái hoá đất.

Điều quan trọng đối với phân hạng đất đai là cần phải có tư liệu về năng suất cây trồng/sản lượng rừng và tìm ra mối quan hệ của chúng với các tính chất đất đai trong nhiều năm.

3.5. Phương pháp đánh giá đất theo phân chia cấp đất rừng trồng

Trong lâm nghiệp còn xây dựng biểu cấp đất cho một số rừng trồng như rừng Bồ đề, Thông ba lá, Thông mã vĩ, v.v. Bản chất của cấp đất cũng thể hiện mối quan hệ giữa các yếu tố lập địa với sinh trưởng rừng trồng thông qua chỉ số chiều cao của lâm phần (H bình quân, hoặc H cây trội: H ưu thế) ứng với cấp tuổi nhất định.

Dựa vào sự biến động chiều cao lâm phần hoặc chiều cao các cây trội ở các cấp tuổi trong các điều kiện hoàn cảnh khác nhau mà phân chia thành các cấp đất khác nhau. Thông thường một biểu cấp đất gồm từ 5 tới 8 cấp.

Dựa vào biểu cấp đất ta có thể xác định một lâm phần nào đó ở một cấp tuổi nhất định sẽ thuộc cấp đất nào trên cơ sở xác định các nhân tố về chiều cao của lâm phần hoặc chiều cao cây trội (thường đo 10% số cây lớn nhất lâm phần). Điều đó phản ánh lâm phần xem xét sinh trưởng trong điều kiện lập địa tốt hay xấu.

Vũ Đình Phương đã xây dựng biểu cấp đất cho rừng trồng Bồ đề (Styrax tonkinensis) dựa trên mối quan hệ Hvn với tuổi lâm phần (1972). Nguyễn Ngọc Lung (1987) đã xây dựng biểu cấp đất cho rừng Thông ba lá ở Lâm Đồng với 5 cấp đất.

3.6. Nghiên cứu và áp dụng các phương pháp để đánh giá Đất lâm nghiệp

Đất lâm nghiệp có thể phân chia thành 4 nhóm đất khác nhau vì những đặc trưng rất khác biệt giữa các nhóm đất là nhóm đất vùng đồi núi, nhóm đất cát ven biển và nhóm đất ngập mặn sú vẹt; nhóm đất chua phèn, v.v. Kết quả nghiên cứu đã được xuất bản trong ấn phẩm “Đánh giá tiềm năng sản xuất đất lâm nghiệp ở Việt Nam” (Đỗ Đình Sâm, Nguyễn Ngọc Bình chủ biên) do nhà xuất bản Nông nghiệp xuất bản năm 2001. Trong tài liệu này chúng tôi chỉ đưa ra một số tiêu chí cơ bản để đánh giá đất vùng núi và vùng cát ven biển.

a. Đánh giá TNSX đất lâm nghiệp vùng đồi núi

Xác định các tiêu chí và chỉ tiêu đánh giá

Lựa chọn các tiêu thức đánh giá TNSX đất lâm nghiệp vùng đồi núi cần thoả mãn 2 yêu cầu:

  •  Thứ nhất các tiêu chí phải phản ánh đựợc những đặc điểm chủ yếu của độ phì đất liên quan đến việc đánh giá đất đai và sử dụng đất đai.
  •  Thứ hai các tiêu chí có thể thu thập, chẩn đoán trong phạm vi toàn quốc để xử lý thông tin.

Dựa trên các tính chất và đặc điểm cơ bản độ phì đất vùng đồi núi đã trình bày, lựa chọn 4 tiêu chí đánh giá TNSX đất lâm nghiệp vùng đồi núi là: độ dốc, độ dày tầng đất, hàm lượng hữu cơ tầng mặt và thành phần cơ giới đất.

a.1). Độ dốc:

Có liên quan chặt chẽ đến độ phì đất, tới quá trình xói mòn, rửa trôi và các phương thức sử dụng đất, mức độ thuận lợi hay khó khăn trong sử dụng đất. Dựa vào bản đồ địa hình chúng ta có thể dễ dàng xác định được độ dốc và phân làm 4 cấp:

  •  Cấp 1: Độ dốc dưới 150;
  •  Cấp 2: Độ dốc từ 150 – 250;
  •  Cấp 3: Độ dốc từ 250 – 350;
  •  Cấp 4: Độ dốc trên 350;

a.2.). Độ dày tầng đất:

Là một trong những tiêu thức quan trọng xác định độ phì đất. Các bản đồ thổ nhưỡng đều đã xác định yếu tố này. Độ dày được chia làm 3 cấp:

  •  Cấp 1 và 2: Độ dày tầng đất trên 100 cm.
  •  Cấp 3: Độ dày tầng đất từ 50cm – 100cm.
  •  Cấp 4: Độ dày tầng đất dưới 50cm.

a.3.). Hàm lượng hữu cơ (mùn) tầng mặt

Đây là yếu tố quan trọng phản ánh độ phì đất rừng. Hàm lượng hữu cơ đất rừng biến đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là: độ cao so với mặt biển, loại đất, thực bì. Do vậy việc phân cấp hàm lượng hữu cơ không thể áp dụng thống nhất cho các loại đất. Dựa vào các tư liệu đã thu thập, nghiên cứu trong nhiều vùng, việc phân cấp hàm lượng chất hữu cơ cần phải khác nhau đối với 4 nhóm đất hoặc loại đất có sự phân biệt rõ nét về hàm lượng chất hữu cơ. Đó là nhóm đất mùn trên núi cao, đất mùn vàng đỏ trên núi, đất đỏ vàng trên mácma kiềm và trung tính trên đá vôi, các loại đất feralit còn lại. Các loại và nhóm đất mùn trên núi cao, mùn vàng đỏ trên núi, đất đỏ vàng trên mácma kiềm và trung tính tích luỹ hàm lượng chất hữu cơ cao hơn so với các loại đất feralit khác.

Qua thực tế điều tra chúng tôi nhận thấy rằng, đất mùn vàng đỏ trên núi ở những nơi không có rừng với đa số thực bì là cây bụi, cỏ thì hàm lượng chất hữu cơ tầng mặt thường đạt 3-4% hoặc cao hơn, nếu như lượng chất hữu cơ nhỏ hơn 3% thì đất đã bị thoái hoá. Trên đất nâu đỏ phát triển trên đá bazan ở các cao nguyên miền Nam, lượng chất hữu cơ giảm tới 3% cũng là những đất bazan thoái hoá. Trong khi đó hàm lượng chất hữu cơ đạt 3-5% ở các loại đất feralit đai thấp thường là dưới rừng tự nhiên chưa bị phá hoại hoặc là rừng thứ sinh, nhìn chung đất còn khá tốt.

Dựa vào các kết quả đó chúng tôi phân cấp lượng chất hữu cơ tầng mặt theo 4 cấp cụ thể như sau:

  • Cấp 1: Rất giàu mùn; thường là những nơi còn rừng nguyên sinh ít bị phá hoại, trên các loại đất: Đất mùn vàng đỏ trên núi:  10%; Đất feralit trên mácma kiềm và trung tính:  8%; Các loại đất khác:  5%;
  • Cấp 2: Giàu mùn: Đất mùn vàng đỏ trên núi: 5-10%; Đất feralit trên mácma kiềm và trung tính: 5-8%; Các loại đất khác: 3-5%.
  • Cấp 3: Mùn trung bình: Đất mùn vàng đỏ trên núi: 3-5%; Đất feralit trên mácma kiềm và trung tính: 3-5%; Các loại đất khác: 2-3%.
  • Cấp 4: Nghèo mùn: Đất mùn vàng đỏ trên núi: < 3%; Đất feralit trên mácma kiềm và trung tính: < 3%; Các loại đất khác: < 2%.

Tổng hợp tư liệu phân tích đã có về hàm lượng hữu cơ trên các loại đất, các loại hình thực bì khác nhau trên các vùng kinh tế lâm nghiệp để phân cấp. Dựa vào bản đồ đất (nhóm đất), thành phần cơ giới đất và loại hình thực bì (Rừng tự nhiên, rừng trồng, đất trảng cỏ.. ) để suy diễn các cấp hữu cơ khác nhau khi đoán đọc trên bản đồ.

a.4.). Thành phần cơ giới đất

Đây là yếu tố có quan hệ chặt chẽ với độ phì đất và có thể dựa vào bản đồ đất để phân cấp, thành phần cơ giới đất được chia làm 3 cấp: đất cát, đất thịt và đất sét, v.v. Phân cấp thành phần cơ giới như sau:

  •  Cấp 1: Đất thịt;
  •  Cấp 2: Đất sét;
  •  Cấp 3: Đất cát

Tổng hợp tiêu chí và kết quả đánh giá

Bốn yếu tố trên đựợc phân cấp, cho điểm và đánh giá riêng biệt từng yếu tố. Điểm từng yếu tố được xác định tương ứng với từng cấp.

  •  Điểm 1 tương ưng cấp 1,
  •  Điểm 2 tương ứng với cấp 2,  v.v.

Tuy nhiên trên thực tiễn, ở trên một mảnh đất nhất định nào đó các yếu tố trên thể hiện với các cấp khác nhau. Do vậy, cần phải tổng hợp đánh giá chung tiềm năng sản xuất của đất khi 4 yếu tố cùng tác động với mức độ phân cấp khác nhau.

Dựa vào phương pháp cho điểm như trên, chúng tôi lấy trị số giữa tổ để phân cấp: 1,5-2,5-3,5. Tiềm năng sản xuất đất lâm nghiệp được phân thành 4 cấp:

  •  Cấp I: Đất có ít yếu tố hạn chế trong sử dụng, độ phì tiềm tàng của đất còn cao, điểm trung bình là 1,5.
  •  Cấp II: Đất có một số yếu tố hạn chế trong sử dụng, độ phì tiềm tàng của đất còn khá, điểm trung bình là từ 1,51-2,5.
  •  Cấp III: Đất có một số yếu tố hạn chế đáng kể trong sử dụng, độ phì tiềm tàng của đất trung bình, điểm trung bình là từ 2,51-3,5.
  •  Cấp IV: Đất có nhiều yếu tố hạn chế trong sử dụng, độ phì tiềm tàng của đất thấp, điểm trung bình trên 3,5.

Trong quá trình đánh giá dựa vào 4 yếu tố, mặc dù không chọn yếu tố chủ đạo nhưng chúng tôi cũng quan tâm tới 2 yếu tố có ảnh hưởng mạnh hơn đến độ phì đất và tiềm tàng sử dụng đất đó là: Độ dày tầng đất và thành phần cơ giới của đất. Nếu như ở một diện tích đất đồng thời xuất hiện cấp 4 của hai yếu tố này thì phần đánh giá tổng hợp sẽ hạ đi 1 cấp.

3.7. Phương pháp đánh giá đất đai hai giai đoạn

Trong phương pháp này giai đoạn đầu chủ yếu khảo sát đánh giá đất đai về mặt điều kiện tự nhiên. Sau đó, đến giai đoạn hai điều tra khảo sát, đánh giá và phân tích về mặt kinh tế xã hội. Thuận lợi của phương pháp này là khi nghiên cứu chỉ tập trung theo từng phần theo từng p hương pháp rõ ràng. Thời gian thực hiện cũng được uyển chuyển v à nhân sự cũng dễ dàng tổ chức.

3.8. Phương pháp đánh gia đất đai song song

Nghiên cứu điều tra khảo sát đ iều kiện tự nhiên và phân tích các yếu tố về kinh tế xã hội cùng thực hiện một lúc. Thuận lợi của phương pháp này là có sự hợp tác đa ngành cùng thực hiện. Phương pháp này thường được thực hiện cho các tỉ lệ chi tiết v à bán chi tiết.

Tuy  nhiên  hai  phương  pháp  này  có  thể  kết  hợp  nhau  tạo  thành  một chuổi  liên  tiếp  như  kết quả  khảo  sát  thăm dò hay sơ bộ  thì  có  thể áp  dụng phương pháp hai giai đoạn để làm tiền đề cho việc xây dựng tỉ lệ bản đồ chi tiết và bán chi tiết bằng phương pháp song song. Tuy nhiên, trong thực tế thì giữa hai phương pháp này cũng chưa được rõ ràng vì trong phương pháp hai giai đoạn, ở giai đoạn đầu chọn lọc kiểu sử dụng đất đai cho đánh giá thích nghi thì cũng cần những thông tin từ lĩnh vực kinh tế xã hội.

Hình 2 : Phương pháp đánh giá hai giai đoạn đầu và phương pháp song song  cho đánh giá đất theo FAO, 1976

Previous articleKhái quát phương pháp đánh giá đất theo FAO
Next articleCách lựa chọn và mô tả loại hình sử dụng đất

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.