Phát triển và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám là vấn đề có tính chất quyết định, đưa công nghệ viễn thám thực sự trở thành công nghệ ứng dụng phục vụ đa ngành, đa lĩnh vực
Nội dung chính
Giám sát tài nguyên – hướng đi chủ đạo trong ứng dụng công nghệ viễn thám
Theo đánh giá của Cục Viễn thám quốc gia, đến thời điểm này, ứng dụng công nghệ viễn thám đã và đang được ứng dụng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên trước hết là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, giám sát môi trường và trở thành một trong các hướng đi chủ đạo của ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từng bước đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám phục vụ quản lý tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Hàng loạt nhiệm vụ đã được Cục Viễn thám quốc gia triển khai trong thời gian qua. Có thể kể đến Dự án “Sử dụng công nghệ Viễn thám và GIS xây dựng cơ sở dữ liệu thành lập bản đồ diễn biến vùng ô nhiễm, vùng nước thải từ các khu công nghiệp, đô thị nhằm đưa ra cảnh báo các vùng có nguy cơ ô nhiễm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”; Dự án “Giám sát một số vùng biển, đảo trọng điểm xa bờ bằng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng”; Dự án “Giám sát xói lở bờ biển tại một số khu vực trọng điểm miền Trung bằng công nghệ viễn thám” vừa được khởi động năm 2016.
Việc kiểm kê quốc gia khí nhà kính năm 2016 trong lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) phục vụ xây dựng các báo cáo quốc gia và đóng góp của Việt Nam cho công ước khí hậu cũng cần khai thác hiệu quả từ công nghệ viễn thám. Nhiệm vụ này được triển khai từ năm 2016 đến 2018.
Trước đó, năm 2014, với việc hoàn thành Dự án giám sát tài nguyên biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám, lần đầu tiên, Việt Nam đã “vẽ” nên được bức tranh toàn cảnh về biển đảo quốc gia. Điều đặc biệt là bức tranh này được “vẽ chi tiết” với những thông tin trên diện rộng, đa thời gian, chính xác và nhanh chóng nhất nhờ vào một trong những công nghệ hiện đại nhất hiện nay – công nghệ viễn thám. Đây được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành TN&MT năm đó.
Trong kế hoạch năm 2017, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ, mở mới, lên kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ như: Dự án “Sử dụng công nghệ viễn thám để đánh giá hiện trạng, diễn biến đến khô hạn, xâm nhập mặn và tìm kiếm các nguồn nước khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”; Dự án Xây dựng hệ thống giám sát bán tự động xâm nhập mặn khu vực ĐBSCL bằng công nghệ viễn thám và GIS; Dự án “Xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo một số yếu tố môi trường nước và không khí dải ven biển Việt Nam bằng công nghệ viễn thám”…để có thể mở rộng hơn nữa các ứng dụng viễn thám trong tất cả các lĩnh vực hiện nay Bộ đang quản lý.
Hoàn thiện hệ thống chính sách
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Quyền Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám, Cục đã và đang chú trọng việc xây dựng và ban hành các quy trình ứng dụng công nghệ mới phù hợp với điều kiện Việt Nam nhằm có được hệ thống đồng bộ thu nhận, xử lý dữ liệu và sử dụng tư liệu ảnh viễn đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan trong và ngoài Bộ, giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các Bộ, ngành và địa phương.
Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật về phát triển và ứng dụng công nghệ viễn thám, nhằm đảm bảo đầu tư đồng bộ, thống nhất, an toàn an ninh công nghệ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về hoạt động ứng dụng công nghệ viễn thám; tiếp tục đề xuất đầu tư xây dựng hoàn thiện đồng bộ hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ viễn thám. Tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghệ viễn thám, kinh tế tri thức và tăng cường hợp tác trong và ngoài nước; liên kết, xã hội hóa về công nghệ viễn thám.
[…] ungdungmoi, […]