Bản đồ là gì? Vai trò, ý nghĩa và phân loại, tỉ lệ bản đồ

0
80574

Bản đồ là hình vẽ biểu thị bề mặt trái đất, các thiên thể hoặc khoảng không vũ trụ trên mặt phẳng theo những quy tắc toán học xác định, được thu nhỏ theo quy ước và khái quát hoá để phản ánh sự phân bổ, trạng thái và những mối liên hệ của các đối tượng, hiện tượng tự nhiên, xã hội được chọn lọc và thể hiện bằng hệ thống ký hiệu và màu sắc.

Có thể coi bản đồ là mô hình ký hiệu tượng hình nhằm tái tạo thực tại (đúng hơn là một phần nào đó của thực tại). Bản đồ dùng phản ánh trực quan những tri thức đã tích luỹ được cũng như nhận biết những tri thức mới.

(Theo Từ điển bách khoa Việt Nam, tập I, NXB Khoa học kỹ thuật, Hà Nội 1995)

Vai trò, ý nghĩa của bản đồ trong thực tiễn và khoa học

Các bản đồ cho ta bao quát đồng thời những phạm vi bất kỳ của bề mặt trái đất, từ một khu vực không lớn đến một quốc gia, một châu lục và toàn bộ trái đất. Bản đồ tạo ra hình ảnh nhìn thấy được của hình dạng, kích thước và vị trí tương quan của các đối tượng. Từ bản đồ ta có thể xác định được các đại lượng như: Tọa độ, độ dài, thể tích, diện tích,…của các đối tượng. Bản đồ còn chứa đựng rất nhiều thông tin về chất lượng, số lượng, cấu trúc của các đối tượng và mối liên hệ tồn tại giữa chúng. Chính do vậy mà bản đồ có vai trò cực kỳ to lớn trong khoa học và thực tiễn.

1. Ý nghĩa của bản đồ trong thực tiễn

Bản đồ là mô hình không gian cho chúng ta biết hình dáng, độ lớn, vị trí tương hỗ của các đối tượng trong không gian (tọa độ, độ dài, diện tích, thể tích, độ cao, độ sâu…). Bản đồ mang nhiều thông tin đặc trưng về số lượng, chất lượng, cấu trúc và sự phân bố của các đối tượng, hiện tượng.

Chính vì vậy trong thực tế bản đồ có ý nghĩa đóng vai trò cực kỳ to lớn.

  • Bản đồ là người dẫn đường trên bộ, trên biển và trên không.
  • Bản đồ là tài liệu không thể thiếu trong quân sự (cung cấp các thông tin về địa hình để vạch ra kế hoạch tác chiến).
  • Trong công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải…bản đồ dùng để khảo sát, thiết kế, nhất là các bản đồ địa hình tỷ lệ lớn.
  • Trong nông nghiệp, bản đồ dùng để quy hoạch, quản lý đất đai, phân vùng quy hoạch đất, xây dựng thủy lợi.
  • Trong giáo dục đào tạo: bản đồ là giáo cụ trực quan, là cuốn “sách giáo khoa” thứ hai trong công tác giảng dạy và học tập các môn địa lý và lịch sử. Bản đồ còn là công cụ để tuyên truyền, quảng cáo nâng cao trình độ văn hoá chung của nhân dân.
  • Trong kinh tế – xã hội: Bản đồ là phương tiện không thể thiếu trong ngành Du lịch. Bản đồ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc quy hoạch định hướng phát triển kinh tế cho mỗi quốc gia, mỗi ngành kinh tế xã hội.

Bản đồ là tài liệu pháp lý quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước nói chung và trong ngành Địa chính nói riêng.

2. Ý nghĩa của bản đồ trong khoa học

Mọi công tác nghiên cứu địa lý và nghiên cứu các khoa học về trái đất được bắt đầu từ bản đồ và kết thúc cũng bằng bản đồ. Các kết quả nghiên cứu được thể hiện lên bản đồ được chính xác hoá trên bản đồ. Bằng các bản đồ có thể tìm ra các quy luật phát triển và sự phân bố không gian của các đối tượng, các hiện tượng được thể hiện trên bản đồ .Do đó:

  • Bản đồ là công cụ để nghiên cứu khoa học trong nhiều ngành kinh tế quốc dân .
  • Bản đồ là nguồn cung cấp thông tin cần thiết và chính xác.
  • Bản đồ cho ta cái nhìn tổng quan như nhìn mô hình không gian khách quan thực tế.

Ngày nay và trong tương lai bản đồ vẫn đóng vai trò quan trọng để giải quyết những nhiệm vụ cụ thể của loài người. Ý nghĩa của bản đồ vượt ra khỏi khuôn khổ của từng quốc gia, từng lãnh thổ. Đó là việc sử dụng và thành lập hệ thống Thông tin địa lý (GIS) để bố trí lực lượng sản xuất khai thác và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, dân số và phát triển. Sự phát triển của thế giới trong mọi lĩnh vực đòi hỏi một khối lượng sản phẩm bản đồ lớn (về số lượng và chủng loại).

Vấn đề đặt ra cho ngành bản đồ không chỉ về số lượng bản đồ mà còn là thời gian thành lập nhanh nhất, khả năng sử dụng, truy cập các thông tin bản đồ nhanh chóng, chính xác, dễ dàng. Để giải quyết vấn đề đó, xu hướng hiện nay trên thế giới cũng như ở nước ta là ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, lưu trữ bản đồ. Bản đồ địa hình là loại bản đồ được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành kinh tế quốc dân, trong khoa học và quốc phòng. Ngày nay và trong tương lai, để giải quyết những vấn đề trọng tâm của loài người vượt ra ngoài khuôn khổ của từng quốc gia. Bố trí hợp lý lực lượng sản xuất, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái thì vai trò của bản đồ càng to lớn hơn.

3 Tính chất của bản đồ có thể bạn chưa biết

 1. Tính trực quan của bản đồ

Tính trực quan của bản đồ được biểu hiện ở chỗ bản đồ cho ta khả năng bao quát và tiếp thu nhanh chóng các yếu tố chủ yếu và quan trọng nhất của nội dung bản đồ. Một trong những tính chất ưu việt của bản đồ là khả năng bao quát, biến cái không nhìn thấy thành cái nhìn thấy được. Bản đồ tạo ra mô hình trực quan của lãnh thổ, nó phản ánh các hình thức về các đối tượng hoặc các hiện tượng được biểu thị. Qua bản đồ người sử dụng có thể tìm ra được những quy luật của sự phân bố các đối tượng và hiện tượng trên bề mặt trái đất.

2. Tính đo được của bản đồ

Đây là một tính chất quan trọng của bản đồ, tính chất này có liên quan chặt chẽ với cơ sở toán học của bản đồ. Căn cứ vào tỷ lệ và phép chiếu của bản đồ, căn cứ vào các thang bậc của các ký hiệu quy ước… người sử dụng bản đồ có khả năng xác định được rất nhiều trị số khác nhau như: Toạ độ, biên độ, độ dài, khoảng cách, diện tích, thể tích, phương hướng và các trị số khác.

Chính do tính chất này mà bản đồ được dùng làm cơ sở để xây dựng các mô hình toán học của các hiện tượng địa lý và để giải quyết những vấn đề khoa học và thực tiễn sản xuất. Tính chất đo được của bản đồ được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như giao thông, xây dựng, quy hoạch, quản lý đất đai, v.v..

3. Tính thông tin của bản đồ

Đó là khả năng lưu trữ, truyền đạt cho người đọc những tin tức khác nhau về các đối tượng và các hiện tượng. Từ những thông tin hiện trạng cho ta những ý tưởng, phát hiện mới cho tương lai. Ví dụ bản đồ hệ thống giao thông cho người đọc những thông tin về hiện trạng hệ thống đường xá, từ đó người ta có thể định hướng sử dụng, cải tạo hay huỷ bỏ, v.v…

Phân loại bản đồ

Để tiện lợi trong việc nghiên cứu, sử dụng và bảo quản bản đồ, cần thiết phải phân loại chúng. Có nhiều cách phân loại khác nhau, dưới đây là những cách thông thường và quan trọng: Bản đồ có thể phân nhóm theo nội dung, theo mục đích sử dụng, theo lãnh thổ, theo phương thức sử dụng, theo tỷ lệ…

1. Phân loại theo các đối tượng thể hiện

Theo các đối tượng thể hiện thì các bản đồ được chia thành 2 nhóm:
  • Nhóm bản đồ địa lý: biểu thị bề mặt trái đất về mặt lãnh thổ, điều kiện tựnhiên, kinh tế – xã hội.
  • Nhóm bản đồ thiên văn: bao gồm các bản đồ bầu trời, sao, các bản đồ thiên thể và các bản đồ hành tinh.

2. Phân loại theo nội dung

Theo nội dung bản đồ được chia thành 2 nhóm:
  •  Nhóm bản đồ địa lý chung: Bản đồ biểu thị toàn bộ các yếu tố cơ bản của lãnh thổ (thủy văn, dáng đất, các đường ranh giới, dân cư, giao thông, một số đối tượng kinh tế công nông nghiệp và văn hoá). Mức độ tỷ mỷ khi biểu thị nội dung phụ thuộc vào tỷ lệ và mục đích của bản đồ. Các bản đồ địa hình chính là các bản đồ địa lý chung tỷ lệ lớn.
  • Nhóm bản đồ chuyên đề: Bản đồ phản ánh về từng hiện tượng, đối tượng tự nhiên, xã hội cũng như các tổ hợp và thể tổng hợp của chúng. Bản đồ chuyên đề phân nhóm theo các chủ đề như: địa chất, địa mạo, khí hậu, cảnh quan, dân cư, kinh tế…Trong thực tiễn và trong các tài liệu khoa học, kỹ thuật còn dùng thuật ngữ bản đồ chuyên môn để chỉ bản đồ chuyên đề mặc dù thuật ngữ đó chỉ dùng cho các bản đồ có mục đích và lính chất chuyên dụng như bản đồ hàng hải, bản đồ bay…
 Nội dung của bản đồ chuyên đề có thể là những yếu tố nào đó trong số các yếu tố nội dung của bản đồ địa lý chung, cũng có thể là những đối tượng, hiện tượng không được thể hiện trên bản đồ địa lý chung ví dụ như: Cấu trúc địa chất, lượng mưa, nhiệt độ khí hậu. mật độ dân số…
Ví dụ: bản đồ thổ nhưỡng phản ánh sự phân bố và cấu trúc lớp phủ thổ nhưỡng theo các đặc trưng nguồn gốc hình thành, thành phần cơ giới và nham thạch tạo thành thổ nhưỡng.
Bản đồ nông lâm nghiệp: phản ánh tình hình phân bố nông lâm nghiệp theo những nội dung khác nhau. Bản đồ quy hoạch thủy lợi: phản ánh một vùng lãnh thổ thể hiện về các mặt địa lý, địa giới hệ thống phân vùng thủy lợi với độ cao mặt đất khác nhau, trên đó bố trí các công trình thủy lợi…

3. Phân loại theo tỷ lệ

 Theo tỷ lệ thì các bản đồ được chia ra: tỷ lệ lớn, tỷ lệ trung bình, tỷ lệ nhỏ. Thực ra ranh giới của các nhóm này không được cố định. Riêng đối với bản đồ địa lý chung thì ranh giới phân chia được cố định như sau:
  • Bản đồ tỷ lệ lớn: ≥1125.000.
  • Bản đồ tỷ lệ trung bình: 1/50.000 – 1/500.000.
  • Bản đồ tỷ lệ nhỏ: ≤ 1/1.000.000

4. Phân loại theo mục đích sử dụng

Theo mục đích sử dụng thì cho đến nay các bản đồ chưa có sự phân loại chặt chẽ, bởi vì đại đa số các bản đồ được sử dụng rộng rãi cho nhiều mục đích rất khác nhau. Đáng chú ý nhất trong sự phân loại theo dấu hiệu này là phân chia thành 2 nhóm: Các bản đồ được sử dụng cho nhiều mục đích và các bản đồ chuyên môn. Các bản đồ nhiều mục đích thường đáp ứng cho nhiều đối tượng sử dụng khác nhau để giải quyết những nhiệm vụ có ý nghĩa kinh tế quốc dân và quốc phòng, để nghiên cứu lãnh thổ, đề thu nhận những tư liệu tra cứu. Các bản đồ chuyên môn là các bản đồ được dùng để giải quyết những nhiệm vụ nhất định, ví như bản đồ giáo khoa, bản đồ hàng hải, hàng không….

5. Phân loại theo lãnh thổ

Theo lãnh thổ thì các bản đồ được phân ra: Bản đồ thế giới, bản đồ bán cầu, bản đồ châu lục, bản đồ các nước, bản đồ vùng,….

Tỉ lệ bản đồ

1. Tỷ lệ chính

Mỗi loại bản đồ đều có tỷ lệ chính. Tỷ lệ chính là mức độ thu nhỏ của bề mặt Elipxoit hoặc mặt cầu trái đất lên mặt phẳng. Tỷ lệ chính thường được ghi trên bản đồ. Tỷ lệ chính chỉ được đảm bảo ở tại những điểm và những đường không có biến dạng độ dài. Khi nghiên cứu biến dạng của phép chiếu bản đồ thì tỷ lệ chính được coi là 1:1 .

2. Tỷ lệ riêng

Khi biểu thị bề mặt Elipxoit hoặc mặt cầu trái đất lên mặt phẳng theo một tỷ lệ nhất định sẽ xuất hiện những sai số chiếu hình. Những sai số đó có trị số khác nhau tuỳ thuộc phép chiếu và vị trí trên mặt cầu. Vì vậy tỷ lệ bản đồ không giống nhau ở các vị trí. Tỷ lệ riêng là tỷ lệ có thể lớn hơn hoặc bé hơn tỷ lệ chính, phụ thuộc vào vị trí và hướng trên bản đồ.
Sự chênh lệch giữa tỷ lệ chính và tỷ lệ riêng chính là sai số của bản đồ.

3. Tỷ lệ bản đồ

Độ dài của đường thẳng đo trên thực địa khi biểu thị lên bản đồ đều phải thu nhỏ lại. Mức độ thu nhỏ các hình chiếu nằm ngang của các đoạn thẳng đó được gọi là tỷ lệ bản đồ. Nói một cách khác tỷ lệ bản đồ là tỷ số giữa độ dài đoạn thẳng trên bản đồ và độ dài tương ứng ngang ở thực địa.
Tuỳ theo mức độ thu nhỏ mà người ta chia ra các loại tỷ lệ lớn, trung bình, nhỏ. Tỷ lệ bản đồ được biểu thị dưới 3 dạng: tỷ lệ số, tỷ lệ giải thích, thước tỷ lệ.
* Tỷ lệ số
Tỷ lệ số được biểu thị bằng một phân số có tử số bằng 1 , mẫu số chỉ số lần thu nhỏ khoảng cách ngang ở thực địa vào bản đồ, kí hiệu là 1:M
Ví dụ 1:1.000; 1:5.000; 1:250.000.
* Tỷ lệ giải thích: cụ thể hoá tỷ lệ số bằng lời.
Ví dụ: Tỷ lệ số là l:1.000 thì tỷ lệ giải thích ghi: 1cm trên bản đồ tương ứng 10 m nằm ngang ở thực địa (thường ghi tắt là 1 cm tương ứng 10 m)
* Thước tỷ lệ: thể hiện tỷ lệ bản đồ bằng thước. Có 2 loại: thước tỷ lệ thẳng và thước tỷ lệ xiên.
  • Thước tỷ lệ thẳng :
    •  Cấu tạo: Thước tỷ lệ thẳng bao gồm một số đoạn thẳng bằng nhau, mỗi đoạn có chiều dài 1 cm hoặc 2 cm, gọi là đơn vị cơ bản. Giá trị mỗi đơn vị cơ bản tương ứng chiều dài nằm ngang ở thực địa theo tỷ lệ bản đồ. Dưới mỗi khoảng chia ghi giá trị tương ứng ở thực địa. Đoạn thứ nhất được chia thành 10 phần bằng nhau, mỗi phần có giá trị bằng 1:10 đơn vị cơ bản. Đoạn 28,5m
    • Cách sử dụng:Muốn đo khoảng cách ngang ở thực địa của 1 đoạn thẳng trên bản đồ (ví dụ đoạn CD), dùng com pa đo chính xác đoạn CD sau đó giữ nguyên khẩu độ com pa, đưa 1 đầu vào đúng vạch chia đơn vị cơ bản bên phải số 0, còn đầu kia đưa đặt vào đơn vị cơ bản bên trái số 0, đọc số 2 bên cộng lại được khoảng cách trên thực địa.
Ví dụ trên hình (1.1) đoạn CD = 15 m + 3 x 0,5 m = 16,5 m
Cần vẽ một đoạn thẳng có chiều dài là 28,5 m ở thực địa lên bản đồ, cách làm như sau: Đặt đầu nhọn bên trái của compa vào bên trái số 0, ở giá trị 3,5 m (trên hình là 7 khoảng chia nhỏ), đặt đầu nhọn bên phải vào bên phải số 0 trên thước ứng với giá trị 25 m (trên hình là 5 đơn vị cơ bản), sau đó đặt khẩu độ compa đó lên bản đồ.
  • Thước tỷ lệ xiên: Thước tỷ lệ xiên ở phía bên phải số 0 có cấu tạo như thước tỷ lệ thẳng. Bên Trái số 0 được chia làm 10 phần bằng nhau theo chiều ngang và dọc. Mỗi phần theo chiều ngang tương ứng 1:10 đoạn cơ bản, mỗi phần theo chiều dọc tương ứng 1:100 đoạn cơ bản. Ví dụ trong hình (1.2) là thước tỷ lệ xiên tỷ lệ 1 : 1 .000
  • Cách sử dụng:Giả sử cần xác định độ dài ngang tương ứng ở thực địa của đoạn AB trên bản đồ tỷ lệ 1: 1000 cách làm như sau:Dùng compa đo chính xác đoạn AB sau đó giữ nguyên khẩu độ compa, đưa 1 đầu vào đúng vạch chia đơn vị cơ bản bên phải số 0, còn đầu kia đưa đặt vào đơn vị cơ bản bên trái số 0. Đọc số bên phải số 0 giống như thước tỷ lệ thắng, số bên trái số 0 đọc số ô nguyên theo hàng ngang nhân với 1/10 đơn vị cơ bản và số vạch hàng đọc nhân với 1/100 đơn vị cơ bản, cộng lại được khoảng cách trên thực địa. AB : 40 m + 5 x 2 m + 6 x 0,2 m – 51,2 m

4. Độ chính xác của tỷ lệ bản đồ

Thực nghiệm cho thấy rằng ở khoảng cách nhìn rõ (25 cm) mắt thường chỉ phân biệt được khoảng cách nhỏ nhất giữa 2 điểm là 0,1 mm. Do đó độ dài của đoạn thẳng trên thực địa tương ứng với 0,1 mm trên bản đồ được coi là độ chính xác của tỷ lệ. Độ chính xác của một số tỷ lệ được ghi ở bảng (1.1):

Bảng 1.1 Độ chính xác của một số tỷ lệ

  Như vậy, những vật thể có kích thước nhỏ hơn tỷ lệ của bản đồ khi vẽ không thể biểu thị theo tỷ lệ được do đó phải bỏ đi hoặc dùng kí hiệu riêng biệt nếu cần thiết. Những quy định về độ chính xác trong đo vẽ bản đồ cũng xuất phát từ độ chính xác của tỷ lệ bản đồ. Bản đồ tỷ lệ càng lớn thì độ chính xác càng cao. Tuy nhiên cần chú ý rằng trong thực tế sản xuất có những trường hợp cần kích thước bản vẽ lớn chứ không cần độ chính xác cao, khi đó chỉ cần phóng các bản đồ tỷ lệ nhỏ đủ độ chính xác yêu cầu ra bản đồ tỷ lệ lớn hoặc đo vẽ bản đồ tỷ lệ lớn theo các quy định về độ chính xác của bản đồ tỷ lệ nhỏ

Previous articleBản vẽ hoàn công – Khái niệm và yêu cầu
Next articleHệ tọa độ và phép chiếu bản đồ ở Việt Nam

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.