Giới thiệu và phân loại Bản đồ địa chính

0
17514
Theo mục 13 điều 4 Luật Đất đai 2003: “Bản đồ địa chính là bản đồ thể hiện các thửa đất và các yêu tôi liên quan, lập theo đơn vị mình chính ra, phường, thị trấn được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.
Bản đồ địa chính là tài liệu cơ bản nhất của bộ hồ sơ địa chính, vì vậy bản đồ địa chính thể hiện tính chất chung của bản đồ là tính địa lý: xác định vị trí địa vật, địa hình khu vực; tính kinh tế: ở vị trí và mục đích sử dụng của thửa đất. Đặc biệt, bản đồ địa chính còn mang tính pháp lý cao phục vụ quản lý chặt chẽ đất đai đến từng thửa, từng chủ sử dụng đất. Tính pháp lý của bản đồ địa chính còn được thể hiện trong hồ sơ địa chính. Công tác địa chính bao gồm cả 3 mặt: tự nhiên, kinh tế, pháp lý. Ba mặt này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nếu thiếu một trong ba yếu tố thì chưa đủ điều kiện để gọi là “Địa chính”.
  • Bản đồ giấy địa chính:
    Bản đồ giấy địa chính là loại bản đồ truyền thống, các thông tin được thể hiện toàn bộ trên giấy nhờ hệ thống ký hiệu và ghi chú. Bản đồ giấy cho ta thông tin rõ ràng, trực quan, dễ sử dụng.
  • Bản đồ số địa chính :
    Bản đồ số địa chính có nội dung thông tin tương tự như bản đồ giấy, song các thông tin này được lưu trữ dưới dạng số trong máy tính, sử dụng một hệ thống ký hiệu đã số hoá. Các thông tin không gian lưu trữ dưới dạng tọa độ, còn thông tin thuộc tính sẽ được mã hoá. Bản đồ số địa chính được hình thành dựa trên hai yếu tố kỹ thuật là phần cứng máy tính và phần mềm điều hành. Các số liệu đo đạc hoặc bản đồ cũ được đưa vào máy tính để xử lý, biên tập, lưu trữ và có thể in ra thành bản đồ giấy.
Hai loại bản đồ trên thường có cùng cơ sở toán học, cùng nội dung. Tuy nhiên bản đồ số đã sử dụng thành quả của công nghệ thông tin hiện đại nên có được nhiều ưu điểm hơn hẳn so với bản đồ giấy thông thường. Về độ chính xác: bản đồ số lưu trữ trực tiếp các số đo nên các thông tin chỉ chịu ảnh hưởng của sai số đo đạc ban đầu, trong khi đó bản đồ giấy còn chịu ảnh hưởng rất lớn của sai số đồ hoạ. Trong quá trình sử dụng, bản đồ số cho phép ta lưu trữ gọn nhẹ, dễ dàng tra cứu, cập nhật thông tin, đặc biệt nó tạo ra khả năng phân tích, tổng hợp thông tin nhanh chóng, phục vụ kịp thời cho các nhu cầu sử dụng của các cơ quan nhà nước, cơ quan kinh tế, kỹ thuật. Tuy nhiên khi nghiên cứu về bản đồ địa chính ta phải xem xét toàn bộ các vấn đề cơ bản của bản đồ thông thường. Khi nghiên cứu đặc điểm quy trình công nghệ thành lập bản đồ địa chính và phạm vi ứng dụng của từng loại bản đồ địa chính, ta cần làm quen với một số khái niệm về các loại bản đồ địa chính sau:
  • Bản đồ địa chính cơ sở: Đó là tên gọi chung cho bản đồ gốc được đo vẽ bằng các phương pháp đo vẽ trực tiếp ở thực địa, đo vẽ bằng các phương pháp có sử dụng ảnh hàng không kết hợp với đo vẽ bổ sung ở thực địa hay được thành lập trên cơ sở biên tập, biên vẽ từ bản đồ địa hình cùng tỷ lệ đã có. Bản đồ địa chính cơ sở được đo vẽ kín ranh giới hành chính và kín mảnh bản đồ. Bản đồ địa chính cơ sở là tài liệu cơ bản để biên tập, biên vẽ và đo vẽ bổ sung thành bản đồ địa chính theo từng đơn vị hành chính cơ sở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) được đo vẽ bổ sung để vẽ trọn vẹn các thửa đất, xác định loại đất theo chỉ tiêu thống kê của từng chủ sử dụng đất trong mỗi mảnh bản đồ và được hoàn chỉnh phù hợp với số liệu trong hồ sơ địa chính.
  • Bản đồ địa chính: là tên gọi chung của bản đồ được biên tập, biên vẽ từ bản đồ địa chính cơ sở theo từng đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã), được đo vẽ bổ sung để vẽ trọn vẹn các thửa đất, xác định loại đất theo chỉ tiêu thống kê của từng chủ sử dụng đất trong mỗi mảnh bản đồ và được hoàn chỉnh phù hợp với số liệu trong hồ sơ địa chính. Bản đồ địa chính là tài liệu quan trọng trong bộ hồ sơ địa chính; trên bản đồ thể hiện vị trí, hình thể, diện tích, số thửa và loại đất của từng chủ sử đụng đất; đáp ứng được yêu cầu quản lý đất đai của Nhà nước ở tất cả các cấp xã, huyện, tỉnh và trung ương.
  • Bản đồ trích đo: là tên gọi chung cho bản vẽ có tỷ lệ lớn hơn hay nhỏ hơn tỷ lệ bản đồ địa chính cơ sở, bản đồ địa chính, trên đó thể hiện chi tiết từng thửa đất trong các ô thửa, vùng đất có tính ổn định lâu dài hoặc thể hiện chi tiết theo yêu cầu quản lý đất đai.

Bản đồ địa chính là tài liệu cơ bản nhất của bộ hồ sơ địa chính, mang tính pháp lý cao phục vụ quản lý chặt chẽ đất đai đến từng thửa đất, từng chủ sở hữu đất. Bản đồ địa chính khác với bản đồ chuyên ngành thông thường ở chỗ bản đồ địa chính có tỷ lệ lớn và phạm vi đo vẽ là rộng khắp mọi nơi trên toàn quốc. Bản đồ địa chính thường xuyên được cập nhật các thay đổi hợp pháp của đất đai, có thể cập nhật hàng ngày hay cập nhật theo định kỳ. Hiện nay ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, người ta hướng tới xây dựng bản đồ địa chính đa chức năng, vì vậy bản đồ địa chính còn có tính chất của bản đồ quốc gia.

2. Vai trò của bản đồ địa chính

Bản đồ địa chính được dùng là cơ sở để thực hiện một số nhiệm vụ trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai như sau:
  • Thống kê đất đai.
  • Giao đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức; tiến hành đăng ký đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.
  • Đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và sở hữu nhà ở.
  • Xác nhận hiện trạng và theo dõi biến động về quyền sử đụng đất.
  • Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cải tạo đất, thiết kế xây dựng các điểm dân cư, quy hoạch giao thông, thủy lợi.
  • Lập hồ sơ thu hồi đất khi cần thiết.
  • Giải quyết tranh chấp đất đai.
Với điều kiện khoa học và công nghệ như hiện nay, bản đồ địa chính được thành lập ở hai dạng cơ bản là bản đồ giấy và bản đồ số địa chính.
Khi thành lập bản đồ địa chính cần phải quan tâm đầy đủ đến các yêu cầu cơ bản sau:
  • Chọn tỷ lệ bản đồ địa chính phù hợp với vùng đất, loại đất.
  • Bản đồ địa chính phải có hệ thống tọa độ thống nhất, có phép chiếu phù hợp để các yếu tố trên bản đồ biến dạng nhỏ nhất.
  • Thể hiện đầy đủ và chính xác các yếu tố không gian như vị trí các điểm, các đường đặc trưng diện tích các thửa đất,….
  • Các yếu tố pháp lý phải được điều tra, thể hiện chuẩn xác và chặt chẽ.

Nội dung bản đồ địa chính

1.1. Yếu tố cơ bản của bản đồ địa chính

Bản đồ địa chính được sử dụng trong quản lý đất đai là bộ bản đồ biên tập riêng cho từng đơn vị hành chính cơ sở xã, phường, mỗi bộ bản đồ có thể gồm nhiều tờ bản đồ ghép lại. Để đảm bảo tính thống nhất, tránh nhầm lẫn và dễ dàng vận dụng trong quá trình thành lập, sử dụng bản đồ và quản lý đất đai, ta cần hiểu rõ bản chất một số yếu tố cơ bản của bản đồ địa chính và các yếu tố tham chiếu phụ trợ của chúng.

1 – Yếu tố điểm: Điểm là một vị trí được đánh dấu ở thực địa bằng dấu mốc đặc biệt. Trong thực lẽ đó là các điểm trắc địa, các điểm đặc trưng trên đường biên thửa đất, các điểm đặc trưng của địa vật, địa hình. Trong địa chính cần quản lý dấu mốc thể hiện điểm ở thực địa và tọa độ của chúng.

2 – Yếu tố đường: Đó là các đoạn thẳng, đường thẳng, đường cong nối qua các điểm trên thực địa. Đối với đoạn thẳng cần xác định và quản lý tọa độ hai điểm đầu và cuối, từ tọa độ có thể tính ra chiều dài và phương vị của đoạn thẳng. Đối với đường gấp khúc cần quản lý tọa độ các điểm đặc trưng của nó. Các đường cong có dạng hình học cơ bản có thể quản lý các yếu tố đặc trưng, ví dụ: Một cung tròn có thể xác định và quản lý điểm đầu cuối và bán kính của nó. Tuy nhiên trong đo đạc địa chính xác định đường cong bằng cách chia nhỏ cung cong tới mức các đoạn của nó có thể coi là đoạn thẳng, khi đó đường cong được xác định và quản lý như một đường gấp khúc.

3 – Thửa đất: Đó là yếu tố cơ bản của đất đai. Thửa đất là một mảnh đất tồn tại của thực địa có diện tích xác định được giới hạn bởi một đường bao khép kín, thuộc một chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng nhất định. Trong mỗi thửa đất có thể có một hoặc một số loại đất. Đường ranh giới thửa đất ở thực địa có thể là con đường, bờ ruộng, tường xây, hàng rào cây,…. hoặc đánh dấu bằng các mốc theo quy ước của các chủ sử dụng đất. Các yếu tố đặc trưng của thửa đất là các điểm góc thửa, chiều dài các cạnh thửa và diện tích của nó. Trên bản đồ địa chính tất cả các thửa đất đều được xác định vị trí, ranh giới, diện tích. Mọi thửa đất đều được đặt tên, tức là gán cho nó một số hiệu địa chính, số hiệu này thường được đặt theo thứ tự trên từng tờ bản đồ địa chính.

Ngoài số hiệu địa chính, các thửa đất còn có các yếu tố tham chiếu khác như địa danh, tên riêng của khu đất, xứ đồng, lô đất, địa chỉ thôn, xã, đường phố. Số hiệu thửa đất và địa danh thửa đất là yếu tố tham chiếu giúp cho việc nhận dạng, phân biệt thửa này với thửa khác trên phạm vi địa phương và quốc gia. Về nguyên tắc mọi sự thay đổi diện tích thửa đất sẽ đương nhiên kéo theo sự huỷ bỏ số hiệu thửa cũ của nó và việc thiết lập tương ứng các số hiệu mới cho các thửa đất được hình thành từ việc thay đổi này.

4 – Thửa đất phụ: Trên một thửa đất có thể tồn tại các thửa nhỏ có đường ranh giới phân chia ổn định có các phần được sử dụng vào các mục đích khác nhau, trồng cây khác nhau, mức tính thuế khác nhau, thậm chí thường xuyên thay đổi chủ sử dụng đất. Loại thửa nhỏ này được gọi là thửa đất phụ hay đơn vị phụ tính thuế. Ví dụ: một thửa đất trong khu vực dân cư nông thôn do một chủ sử dụng có đất ở, ao và vườn. Có thể phân chia các loại đất trong thửa chính tạo ra các thửa phụ.

5 – Lô đất: Là vùng đất có thể gồm một hoặc nhiều thửa đất. Thông thường lô đất được giới hạn bằng các con đường kênh mương, sông ngòi,… đất đai được chia lô theo điều kiện địa lý như có cùng độ cao, độ dốc, theo điều kiện giao thông thủy lợi, theo mục đích sử dụng hay cùng loại cây trồng.

6 – Khu đất, xứ đồng: Đó là vùng đất gồm nhiều thửa đất, nhiều lô đất. Khu đất và xứ đồng thường có tên gọi riêng được đặt từ lâu đời.

7 – Thôn, bản, xóm, ấp: Đó là các cụm dân cư tạo thành một cộng đồng người cùng sống và lao động sản xuất trên một vùng đất. Các cụm dân cư thường có sự cấu kết mạnh mẽ về các yếu tố dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp…

8 – Xã, phường: là đơn vị hành chính cơ sở gồm nhiều thôn, bản hoặc đường phố. Đó là đơn vị hành chính có đầy đủ các tổ chức quyền lực để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước một cách toàn diện đối với các hoạt động về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội trong phạm vi lãnh thổ của mình. Thông thường bản đồ địa chính được đo vẽ và biên tập theo đơn vị hành chính cơ sở xã, phường để sử dụng trong quá trình quản lý đất đai.

1.2. Nội dung bản đô địa chính

 Bản đồ địa chính là tài liệu chủ yếu trong bộ hồ sơ địa chính vì vậy trên bản đồ cần thể hiện đầy đủ các yếu tố đáp ứng yêu cầu Quản lý đất đai.

1 – Điểm khống chê tọa độ và độ cao: Trên bản đồ cần thể hiện đầy đủ các điểm khống chế tọa độ và độ cao Nhà nước các cấp, lưới tọa độ địa chính cấp 1 , cấp 2 và các điểm khống chế đo vẽ có chôn mốc để sử dụng lâu dài. Đây là yếu tố dạng điểm cần thể hiện chính xác đến 0, 1 mm trên bản đồ.

2 – Địa giới hành chính các cấp: Cần thể hiện chính xác đường địa giới quốc gia, địa giới hành chính các cấp tỉnh, huyện, xã, các mốc giới hành chính, các điểm ngoặt của đường địa giới. Khi đường địa giới hành chính cấp thấp trùng với đường địa giới cấp cao hơn thì biểu thị đường địa giới cấp cao. Các đường địa giới phải phù hợp với hồ sơ địa giới đang được lưu trữ trong các cơ quan Nhà nước.

3 – Ranh giới thửa đất: Thửa đất là yếu tố cơ bản của bản đồ địa chính. Ranh giới thửa đất được thể hiện trên bản đồ bằng đường viền khép kín dạng đường gấp khúc hoặc đường cong. Để xác định vị trí thửa đất cần đo vẽ chính xác các điểm đặc trưng trên đường ranh giới của nó như điểm góc thửa, điểm ngoặt, điểm cong của đường biên. Đối với môi thửa đất, trên bản đồ còn phải thể hiện đầy đủ ba yếu tố là số thứ tự thửa, diện tích và phân loại đất theo mục đích sử dụng.

4 – Loại đất: Tiến hành phân loại và thể hiện 6 loại đất chính là đất nông nghiệp, đất chuyên dùng, đất ở đô thị, đất ở nông thôn và đất chưa sử dụng (nay là 3 nhóm đất nông nghiệp, phi nông nghiệp và chưa sử dụng). Trên bản đồ địa chính cần phân loại đến từng thửa dết theo mục đích sử dụng.

5 – Công trình xây dựng trên đất: Khi đo vẽ bản đồ tỷ lệ lớn ở vùng đất thổ cư, đặc biệt là ở khu vực đô thị thì trên từng thửa đất còn phải thể hiện chính xác ranh giới các công trình xây dựng cố định như nhà ở, nhà làm việc,… Các công trình xây dựng được xác định theo mép tường phía ngoài. Trên vị trí công trình còn biểu thị tính chất công trình như nhà gạch, bê tông, nhà nhiều tầng,…

6 – Ranh giới sử dụng đất: Trên bản đồ thể hiện ranh giới các khu dân cư, ranh giới lãnh thổ sử dụng đất của các doanh nghiệp, của các tổ chức xã hội, doanh trại quân đội

7 – Hệ thống giao thông: Cần thể hiện tất cả các loại đường sắt, đường bộ, đường trong làng, ngoài đồng, đường phố, ngõ phố…. Đo vẽ chính xác vị trí tìm đường, mặt đường chỉ giới đường, các công trình cầu cống trên đường và tính chất con đường.. Giới hạn thể hiện hệ thống giao thông là chân đường, đường có độ rộng lớn hơn 0,5mm trên bản đồ phải vẽ 2 nét. Nếu độ rộng nhỏ hơn 0,5mm thì vẽ một nét và ghi chú độ rộng.

8 – Mạng lưới thủy văn: Thể hiện hệ thống sông ngòi, kênh mương, ao hồ,…Đo vẽ theo mức nước cao nhất hoặc mức nước tại thời điểm đo vẽ. Độ rộng kênh mương lớn hơn 0,5 mm trên bản đồ phải vẽ 2 nét. Nếu độ rộng nhỏ hơn 0,5 mm thì vẽ một nét theo đường tim của nó. Khi đo vẽ trong các khu dân cư thì phải vẽ chính xác các rãnh thoát nước công cộng. Sông ngòi, kênh mương cần phải ghi chú tên riêng và hướng nước chảy.

9 – Địa vật quan trọng: Trên bản đồ địa chính thể hiện các địa vật có ý nghĩa định hướng.

10 – Mốc giới quy hoạch: Trên bản đồ địa chính còn phải thể hiện đầy đủ mốc quy hoạch, chỉ giới quy hoạch, hành lang an toàn giao thông, hành lang bảo vệ đường điện cao thế, bảo vệ đê điều.

11 – Dáng đất: Khi đo vẽ bản đồ ở vùng đặc biệt còn phải thể hiện dáng đất bằng đường đồng mức hoặc ghi chú độ cao. Trên bản đồ địa chính còn phải thể hiện đầy đủ mốc quy hoạch, chỉ giới quy hoạch, hành lang an toàn giao thông, hành lang bảo vệ đường điện cao thế, bảo vệ đê điều.

Hệ thống tỷ lệ bản đồ địa chính

Bản đồ địa chính dược thành lập theo các tỷ lệ 1:500; 1:1.000; 1:2.000; 1:5.000, 1:10 000 và 1:25.000. Việc chọn tỷ lệ bản đồ địa chính căn cứ vào các yếu tố cơ bản như:
  • Mật độ thửa đất trên một hecta diện tích: mật độ càng lớn thì bản đồ địa chính phải vẽ tỷ lệ lớn hơn.
  • Loại đất cần vẽ bản đồ: đất nông – lâm nghiệp diện tích thửa lớn vẽ tỷ lệ nhỏ còn đất ở đất đô thị, đất có giá trị kinh tế sử dụng cao vẽ bản đồ tỷ lệ lớn.
  • Khu vực đo vẽ: Do điều kiện tự nhiên, tính chất quy hoạch của vùng đất và tập quán sử dụng đất khác nhau nên diện tích thửa đất cùng loại ở các vùng khác nhau cũng thay đổi đáng kể. Đất nông nghiệp ở đồng bằng Nam Bộ thường có diện tích thửa lớn hơn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nên đất nông nghiệp ở phía Nam sẽ vẽ bản đồ địa chính tỷ lệ nhỏ hơn ở phía Bắc.
  • Yêu cầu độ chính xác bản đồ là yếu lố quan trọng để chọn tỷ lệ bản đồ. Muốn thể hiện diện tích đến 0,1 m2 thì chọn tỷ lệ 1:200, 1:500. Muốn thể hiện chính xác đến m2 thì chọn tỷ lệ 1:1.000, 1:2.000. Nếu chỉ cần tính diện tích chính xác chục mét vuông thì vẽ bản đồ tỷ lệ 1:5.000 và nhỏ hơn .

Khả năng kinh tế kỹ thuật của đơn vị cần vẽ bản đồ là yếu tố cần tính đến vì đo vẽ tỷ lệ càng lớn thì càng phải chi phí lớn hơn. Như vậy để đảm bảo chức năng mô tả, bản đồ địa chính được thành lập ở tỷ lệ lớn và khi mật độ các yếu tố nội dung bản đồ cần thể hiện càng dày, quy mô diện tích thửa đất càng nhỏ, giá trị đất và yêu cầu độ chính xác càng cao tỷ lệ bản đồ địa chính càng phải lớn hơn. Có thể tham khảo tỷ lệ bản đồ địa chính theo bảng 1 .

Nguồn: Giáo trình bản đồ địa chính, Nguyễn Thị Kim Hiệp, Vũ Thanh Thủy, Võ Quốc Việt,
Phan Đình Binh, Lê Văn Thơ, Xuất bản nông nghiệp Hà Nội
Previous articleTổng quát hóa nội dung bản đồ – Quy trình thành lập bản đồ cấp xã
Next articleBản vẽ hoàn công – Khái niệm và yêu cầu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.